- Calgary, Canada
Calgary có tốc độ phát triển nhanh và mật độ dân cư lớn nhưng thành phố vẫn luôn giữ được khí hậu trong lành và môi trường sống vô cùng thân thiện. Nếu vứt rác bừa bãi ra đường bạn sẽ bị phạt nặng, bất kể bạn là người bản địa hay du khách. Tờ Economist xếp Calgary là thành phố đáng sống thứ 5 trên thế giới vào năm 2013 với số điểm là 96,6/100.
Với tổng diện tích công viên xanh đến 8,000 hecta và 800 km đường đi bộ cho cư dân thư giãn, Calgary là thành phố phồn thịnh ngập tràn trong không gian xanh của thiên nhiên. Chính quyền thành phố cũng đề xuất những hỗ trợ tài chính cho lối sống xanh của người dân như sử dụng sản phẩm hữu cơ, hạn chế rác thải từ đồ gói bọc bữa trưa.
- Zurich, Thụy Sĩ
Thành phố Zurich là trung tâm thương mại và văn hóa chính của Thụy Sĩ (thủ đô chính trị là Bern), đây được xem như là một trong những thành phố toàn cầu trên thế giới. Theo một điều tra vào năm 2006, Zurich là thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất trên thế giới.
Thành phố Zurich nằm ở phía Bắc của hồ Zurich và được bao bọc bởi sông Limmat. Ở Zurich, bạn có thể thấy nước ở khắp mọi nơi. Ngoài sông, hồ, kênh rạch, Zurich còn có vô số đài phun nước cung cấp nước uống được. Người dân ở thành phố chủ yếu sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện giao thông công cộng như xe lửa, xe buýt và tàu điện ngầm. Chính quyền thường xuyên đổi mới và áp dụng các chính sách xử lý rác thải nghiêm ngặt nên người dân nơi đây rất có ý thức tái chế rác.
- Wellington, New Zealand
Nhờ vị trí nằm ở cực Nam của đảo Bắc, tiếp xúc với gió từ khắp mọi nơi thông qua eo biển Cook, Wellington được ưu ái với khí hậu mát mẻ, lộng gió quanh năm. Đến Wellington, bạn sẽ có cơ hội nhìn ngắm những dòng sông xanh ngắt, rừng cây cao ngút mắt. Đây còn là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã.
Nhờ tuyến xe chạy bằng cáp được mở rộng, thành phố Wellington đã cắt giảm lượng ô nhiễm không khí từ ùn tắc ô tô. Người dân đã quen sống với thiên nhiên nên họ luôn tự ý thức không vứt rác bừa bãi, chủ động hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, trồng cây, tái chế…
- Rekyjavík, Iceland
Khi đến Rekyjavík, điểm đầu tiên đưa đến trước mắt bạn là những con phố sạch đẹp như mơ. Đến phương tiện công cộng như xe buýt cũng được chạy bằng nguyên liệu sạch hydrogen, khí đốt được sản xuất từ nguồn sạch. 30 ngọn núi lửa hoạt động từ các thế kỷ trước đã mang đến cho Iceland hệ thống nước nóng sửa ấm miễn phí và không ô nhiễm. Năng lượng địa nhiệt chiếm khoảng 90% trong tiêu thụ điện và sưởi ấm thành phố này.
Dù ở cực Bắc của Đại Tây Dương, Reykjavík không lạnh như người ta tưởng, lý do là vì thời tiết bờ biển Iceland được các dòng nước ấm của dòng Gulf điều hòa. Bởi gần biển nên thành phố này hứng chịu gió và gió bão thường xuyên vào mùa đông. Thành phố Reykjavík cũng có nhiều mưa với trung bình 213 ngày mưa mỗi năm, với mùa xuân có ngày nắng nhỉnh hơn.
- Honolulu, Hawaii, Mỹ
Khí hậu của Honolulu quanh năm mát mẻ, ấm áp nên đây là điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Chính quyền Honolulu đã cho triển khai dự án chuyển đổi 2.000 tấn rác thải thành năng lượng điện cung cấp cho hơn 40.000 hộ dân, dự án Pearl City-Bus sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cắt giảm chi phí năng lượng.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, Hawaii có lượng không khí sạch nhất nước Mỹ. Khi đến Honolulu bạn không chỉ được đắm mình vào không khí trong sạch ấm áp mà còn được ghé thăm các địa điểm lịch sử. Nổi tiếng nhất là trận đánh đi vào lịch sử thế giới – Trân Châu Cảng. Trận đánh mở đầu giữa Nhật Bản và Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2 và là nguồn cảm hứng của rất nhiều bộ phim trong đó phải kể đến bộ Pearl Harbor của đạo diễn Michael Bay năm 2001.
- Helsinki, Phần Lan
Helsinki (thủ đô của Phần Lan) là một trong những thành phố có mức sống cao nhất thế giới. Năm 2011, tạp chí Monocle của Anh xếp Helsinki là thành phố đáng sống nhất trên toàn cầu. Helsinki cũng xếp thứ 9 trong danh sách 140 thành phố có mức sống tốt nhất theo cuộc khảo sát năm 2016 của Economist Intelligence Unit. Báo cáo IQ Air liệt kê thủ đô của Phần Lan là một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất trên thế giới.
Cũng như nhiều nước châu u, Phần Lan được hưởng sự giao mùa, đặc trưng là một mùa hè ấm áp nhưng ngắn ngủi, một mùa đông tuyết phủ, kéo dài. Helsinki có 36% diện tích đất dành cho công viên với hơn 40 khu dự trữ sinh quyển trên diện tích 890 ha. Phần Lan cũng đang tích cực bảo vệ bờ biển trước nguy cơ nước biển dâng và băng tan từ hai cực.
- Adelaide, Australia
Sự phát triển đô thị đã phá hoại bờ biển do xói mòn nên chính phủ Úc đã thực hiện các chương trình xây dựng lại thảm thực vật tại một số vùng ngoại ô ven biển của Adelaide. Chính quyền Adelaide đã triển khai kế hoạch trồng cây xanh và kêu gọi sự chung tay của tất cả người dân.
Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng mặt trời để sinh hoạt cũng được đưa vào đời sống hàng ngày của người dân thành phố này. Gần một nửa năng lượng được sử dụng ở Nam Úc là năng lượng tái tạo nên bạn không cần lo lắng khi vừa bật điều hòa, vừa bật đèn sáng cả ngày.
- Hamburg, Đức
Kênh Außenalster và hồ Inner Alster được ví là “lá phổi xanh của Hamburg”. Mùa hè thời tiết ấm áp nên người dân thường thuê thuyền để dạo chơi trên hồ. Đi đến cảng Hamburger Hafen bạn sẽ được mua vé để đi tàu du lịch trên sông. Lưu ý là bạn chỉ được lên tàu có đánh số, nếu lên nhầm tàu sẽ phải trả chi phí rất lớn. Đứng trên tàu, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh quan và hoạt động của người dân. Vì các hoạt động tham quan đặc trưng của thành phố đều gắn liền với nước nên bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mát ngay khi đặt chân đến Hamburg.
Hamburg là thành phố đi đầu trên thế giới trong việc sử dụng năng lượng xanh. Đức cũng đang thực hiện chiến dịch quốc gia về giảm khí thải độc hại với mục tiêu giảm 40% vào năm 2020.