Không có mẹ làm sao có thể là một thiên đường. Cũng vậy, tình yêu vô điều kiện, là một cụm từ quá lý tưởng để có thật, nhưng nó thật khi đến trong cuộc đời cùng mẹ.

Vu Lan, trong nhà hàng chay, nhìn những người trẻ cài trên ngực mình những bông hồng đỏ, thầy giáo người Anh ngạc nhiên dò hỏi. À, một người trong nhóm giảng cho thầy hiểu về Vu Lan, ngày báo hiếu ở Việt Nam. Thầy gật gù: “À , như vậy là giống với Ngày của mẹ ở bên Anh”. Thầy nhìn sang một người đã làm mẹ trong nhóm và hỏi: “Hôm nay, các con của bạn đã làm gì cho bạn, chúng vẽ tranh, làm đất sét, hay nấu ăn?”. Người mẹ lúng túng trong một giây và trả lời: “Chúng không làm gì cả”. Và không để thầy hỏi tiếp, chị nói luôn: “Tôi cũng chưa bao giờ mong muốn chúng làm điều gì cho mình. Chỉ cần chúng sống vui, sống một cuộc đời có ý nghĩa là đủ”.
Câu hỏi của thầy gợi lên bao điều suy nghĩ. Người Việt mình trong ngày Vu Lan, ai còn mẹ thì cầu an cho mẹ, ai mất mẹ thì về chùa cầu siêu. Ít khi nghĩ sẽ làm điều gì cho mẹ. Vì mình vô tâm, hay vì mẹ không bao giờ đòi hỏi. Hay mẹ quá giản dị. Hay điều duy nhất mẹ quan tâm chính là sự bình an cho con, cho gia đình.
Dường như cả nhóm cũng lặng đi trong một giây nào đó. Để khuấy động không khí, một người trong nhóm hỏi đùa: “Mẹ thầy thì sao, chắc bà sốt ruột lắm vì con trai mình lăn lộn nơi đất khách quê người, gần 40 rồi mà chưa chia sẻ cuộc đời mình với cô nào?”. Ông thầy cười hiền: “Hồi đó mẹ tôi có lo, nhưng sau này thì không. Có lẽ vì bà thấy tôi hạnh phúc như thế này. Vậy là đủ”. Đông hay Tây, mẹ Việt, mẹ Âu hay mẹ Mỹ, mỗi người có một cách khác nhau, nhưng tình yêu không điều kiện dành cho con thì không khác biệt.Mẹ tôi, hết hè, bọn trẻ đi học lại, hôm nay cũng đã về quê. Trước khi về có hơi dè dặt hỏi con: “Lúc nào con có giờ, chở mẹ qua cậu, mẹ thắp cho bà ngoại cây nhang”. Vậy đó, lúc nào con cần mẹ vô. Lúc nào xong mẹ về. Trước khi ra bến xe chỉ gọi dặn dò: “Đồ mẹ giặt rồi còn mấy cái chưa kịp phơi, cơm mẹ nấu rồi, thịt trong nồi ủ, lát về con hâm canh lại…”. Tôi đã không kịp nghe những câu dặn dò sau đó, bởi vì đã thấy mắt mình nhòa đi rồi…
Tôi nhớ khi đọc câu chuyện xúc động về mẹ của kình ngư huyền thoại Michael Phelps.
– Bất cứ khi nào giáo viên của con nói: “Michael không thể làm được việc này”, tôi sẽ đáp lại rằng “Vậy thì cô sẽ làm gì để giúp cháu?”, bà kể.
Từ một đứa trẻ tăng động, không thể tập trung vào điều gì, ghét học toán, thậm chí là ghét chạm mặt vào nước, Michael Phelps đã trở thành huyền thoại. Nếu không phải là mẹ nhẫn nại lật đứa con ra tập bơi ngửa làm gì có một kình ngư với 28 huy chương các kỳ Olympic như hôm nay. Nếu không phải là mẹ yêu cầu giáo viên toán, hướng dẫn cho Micheal Phelps môn toán bằng cách liên hệ với môn thể thao cậu bé yêu thích, làm gì cậu bé có thể tiếp con đường của mình. Nếu không phải là mẹ biết con ghét đọc, đã tập cho con đọc bằng chính những sách vở liên quan đến thể thao, thì làm gì có một.
Michael Phelps gây cảm hứng cho cả một thế hệ như hôm nay. Nếu không phải là mẹ nhẫn nại và sáng tạo với những ký hiệu riêng của hai mẹ con, ai sẽ giúp anh bình tĩnh, kỷ luật. Nếu không phải là mẹ với tất cả niềm tin tưởng, làm sao anh có thể quyết định ngưng thuốc điều trị tăng động ngay khi mới học lớp 6, để từ đó tự mình điều chỉnh được cảm xúc và cuộc đời của chính mình.
Chợt nghĩ, những người biết Michael Phelps trước đó chắc khó tưởng tượng ra anh của ngày hôm nay. Càng không thể tưởng tượng ra cuộc đời của Michael Phelps hôm nay ra sao nếu anh không có mẹ. Mà có riêng gì Michael Phelps, có ai dám ngồi và tưởng tượng, cuộc đời của mình sẽ ra sao, nếu không có mẹ?
Tôi nhớ trong câu chuyện Miền cỏ phương Nam (một sáng tác đẹp đẽ và tuyệt vời của nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren), khi hai đứa trẻ mồ côi Matias và Anna lầm lũi như hai con chuột xám, đi qua những ngày đông ẩm đạm và rét buốt, được một con chim đỏ dẫn đường, chúng đã đến miền cỏ phương Nam, một thiên đường với đủ đầy đồ chơi, thức ăn, bạn bè và… dĩ nhiên là có mẹ. Không có mẹ làm sao có thể là một thiên đường. Cũng vậy, tình yêu vô điều kiện, là một cụm từ quá lý tưởng để có thật, nhưng nó thật khi đến trong cuộc đời cùng mẹ. Và mẹ bằng tình yêu ấy đã biến cuộc đời thực trở thành một… miền cỏ phương Nam.

Theo Phunuonline

Categorized in: