Công trình khoa học đồ sộ mang tên Grant & Glueck của đại học Havard đã theo sát cuộc sống của 724 người đàn ông Hoa Kỳ trong suốt 75 năm để khám phá bí mật của hạnh phúc. Dự án nghiên cứu táo bạo và cực hiếm thấy này sẽ tiết lộ cho chúng ta điều gì về Hạnh phúc. Hãy cùng khám phá!
Sau 75 năm nghiên cứu, Harvard chính thức công bố lời giải cho ‘bí mật của hạnh phúc’. Ảnh minh họa
Công trình nghiên cứu về Hạnh phúc – “Grant & Glueck” được thực hiện với ước vọng tìm ra được công thức bí mật làm nên một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc của con người.
Liên tiếp bốn thế hệ các nhà khoa học của Havard đã đưa dự án nghiên cứu này tới đích thành công. Đến năm 2012, các nhà khoa học thuộc thế hệ thứ tư, dưới sự dẫn dắt của nhà tâm thần học Robert Waldigne đã công bố kết quả nghiên cứu của họ sau hơn 7 thập kỉ thu thập và phân tích các số liệu.
Để tìm ra bí mật làm nên sự khỏe mạnh và hạnh phúc của con người, họ đã tiến hành nghiên cứu toàn bộ cuộc đời của 724 người đàn ông. Các đối tượng nghiên cứu này được chia thành hai nhóm lớn, có khác biệt cơ bản về học thức và hoàn cảnh xuất thân.
Nhóm đầu tiên bao gồm 268 sinh viên ưu tú nhất, đang theo học năm 2 tại đại học Havard vào thời điểm nghiên cứu bắt đầu. Hầu hết trong số họ sau khi tốt nghiệp đều tham gia vào thế chiến thứ hai. Trong khi đó, nhóm các 456 đối tượng nghiên cứu đến từ Boston là những thanh niên thuộc tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội. Họ thường sống trong những căn hộ chật hẹp, không đủ điện nước để dùng.
Bên cạnh đó, cứ hai năm một lần, các nhà khoa học sẽ gọi điện thoại để hỏi những người tham gia rằng, liệu họ có thể gửi bảng câu hỏi cho những người này để tiếp tục cuộc điều tra?
Các nhà khoa học cũng thu thập tất cả những số liệu liên quan tới sức khỏe của người tham dự: Lấy mẫu máu, scan não bộ và thu thập hồ sơ tình trạng sức khỏe của họ trong suốt thời gian nghiên cứu.
Năm năm một lần, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp, họ gặp gỡ, nói chuyện và tiếp xúc với các đối tượng nghiên cứu ngay tại tư gia, để hiểu hơn về hoàn cảnh sống, tình trạng các mối quan hệ của những người này.
Sau 75 năm, họ thu thập được hàng chục triệu trang thông tin về cuộc đời của hơn 700 con người…
Mỗi người một con đường: Họ làm những nghề nghiệp khác nhau, một trong số đó đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ, một số trở thành những kẻ nát rượu, một số khác phát bệnh tâm thần, một số từ dưới đáy xã hội và vươn lên tới đỉnh cao, còn một vài người thì thay đổi theo chiều ngược lại.
Từ việc nghiên cứu hơn 700 câu chuyện cuộc đời, các nhà khoa học có khám phá ra điều gì tạo nên hạnh phúc của con người? Liệu đó có phải là những gì mà từ lâu con người quan niệm sẽ đem tới hạnh phúc viên mãn: Sự giàu có – thành công – danh tiếng hay sự lao động cật lực?
Thật không may, đa phần con người chúng ta đã nhầm. Bài học mà các nhà khoa học rút ra từ nghiên cứu đồ sộ này lại giản dị đến bất ngờ:

Có được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống sẽ khiến bạn khỏe mạnh và hạnh phúc. Bí quyết chỉ có vậy!

Các nhà khoa học đã rút ra ba bài học lớn về các mối quan hệ tốt đẹp, để chúng ta có thể hình dung được rõ ràng hơn: Yêu thương và quan tâm những người xung quanh sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên rực rỡ như thế nào.
Bài học số 1: Kết nối mình với mọi người, bạn sẽ hạnh phúc. Ngược lại, sự cô đơn sẽ “giết chết” bạn.
Trong các kết quả nghiên cứu, các nhà học của Havard đã khám phá ra các quan hệ xã hội đóng một vai trò cực kì quan trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con người.
Thật vậy, những người đàn ông giữ được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và cộng đồng của anh ta sẽ mạnh khỏe, có nhiều cảm giác hạnh phúc và sống lâu hơn những người còn lại.
Ngược lại, những người đàn ông luôn cảm thấy cô đơn, bởi có không nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, sẽ luôn thấy kém hạnh phúc hơn, sức khỏe suy giảm sớm. Tồi tệ hơn, trí tuệ của họ cũng bị tàn phá nhanh và mạnh hơn khi tuổi già gõ cửa.
Bài học số 2: Số lượng không bằng chất lượng
Kết nối với thật nhiều người chưa phải là sự đảm bảo tối ưu để đem lại cho bạn trạng thái thân tâm tốt đẹp nhất. Quan trọng hơn, hãy chú ý tới chất lượng và sự sâu sắc của các mối quan hệ mà mình đã tạo dựng.
Hai trong số rất nhiều dẫn chứng được đưa ra để minh họa cho luận điểm này.
Khi một người đàn ông ở độ tuổi 50, chỉ số hàm lượng Cholesteron trong máu của anh ấy không thể dự báo được tình trạng sức khỏe của chủ nhân ở độ tuổi 80. Chính mức độ hài lòng của họ với những mối quan hệ đang có mới đóng vai trò quyết định. Khi 50 tuổi, những người đàn ông cảm thấy hài lòng nhất với các mối quan hệ của mình đều đã trở thành những cụ ông 80 tuổi hạnh phúc và khỏe mạnh nhất trong nghiên cứu.
Bên cạnh đó, chất lượng của các mối quan hệ gần gũi nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của con người khi phải trải qua sự đau đớn trong cơ thể.
Đối với những cặp vợ chồng già nhất của cuộc nghiên cứu, những cặp đôi hạnh phúc vẫn luôn giữ được sự vui vẻ và cảm giác lạc quan trong tâm hồn ngay cả trong những ngày thân thể họ đau nhức nhất.
Nếu không may ở trong hoàn cảnh ngược lại, họ sẽ cảm thấy đau đớn nơi thân thể một cách rõ nét bởi những cảm xúc tiêu cực.
Bài học số 3: Sự tin tưởng trong mối quan hệ – Chìa khóa để bảo vệ bộ não của bạn trước sự tấn công của tuổi già
Đây có lẽ là một trong những bài học thú vị nhất mà nghiên cứu chỉ ra.
Với những người đàn ông sống trong những mối quan hệ bền chặt, họ sẽ bảo toàn trí nhớ của mình tốt hơn. Bí quyết nằm ở việc họ luôn có thể tìm thấy người mà họ thực sự tin tưởng để tâm sự, chia sẻ trong bất kì hoàn cảnh nào họ cần. Nếu ở vào hoàn cảnh ngược lại, họ rất dễ dàng trở thành nạn nhân của những căn bệnh về trí nhớ như Alzheimer.
Đặc biệt với những cặp đôi sống cùng nhau rất lâu năm, dù họ có thường xuyên tranh cãi, nhưng nếu những người trong cuộc vẫn cảm thấy có thể tin tưởng vào người bạn đời của mình, não bộ của họ vẫn sẽ có được “sức đề kháng” tốt, từ đó giữ vững được sự minh mẫn của mình.
Tóm lại
Bí mật của cuộc sống hạnh phúc theo Đại nghiên cứu “Grant & Glueck” không nằm ở sự giàu sang hay nổi tiếng – những mục tiêu lớn nhất mà con người hiện đại đang điên cuồng theo đuổi. Hạnh phúc thực sự nằm ngay trong mỗi ý, mỗi niệm của con người chúng ta.
Như cổ nhân vẫn luôn dạy dỗ con cháu mình:
Lòng vị tha là cái gốc của hạnh phúc của mỗi con người. Trong mọi hoàn cảnh khi biết suy nghĩ cho người khác trước, biết làm mọi điều để tránh làm tổn hại đến người, tâm lúc nào cũng mang ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn mà đối đãi với tất cả, mọi mối quan hệ sẽ theo đó mà trở nên bền chặt mãi mãi.
Thuận theo lời dạy ấy, khi nghĩ cho người khác chính là lúc chúng ta có thể buông cái tôi nặng nề của mình xuống, sống vì người khác nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Tâm hồn cũng nhờ thế mà trở nên nhẹ nhàng và khoáng đạt. Liệu chúng ta có thể không khỏe mạnh, không hạnh phúc khi trong tâm luôn là một cánh đồng rộng lớn toàn cỏ hoa?

Nguồn: Daikynguyenvn.com

Categorized in: