Sagittarius A*, quái vật tưởng đã ngủ yên giữa thiên hà chứa Trái Đất, bất ngờ để lộ một tín hiệu đáng sợ.
Được ghi nhận bởi tàu vũ trụ IXPE của NASA, đó là những “tiếng vang từ cõi chết”, là bằng chứng sống động cho thấy con “quái vật” của Milky Way không ngủ yên hoàn toàn như người ta từng nghĩ.
Sagittarius A* chính là lỗ đen ở trung tâm thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), đã qua thời gian điên cuồng “ăn uống”. Nó có khối lượng ước tính khoảng 4,1 triệu Mặt Trời và thuộc nhóm lỗ đen siêu khối to lớn nhất vũ trụ mà các nhà thiên văn hay gọi là “lỗ đen quái vật”.
Thế nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quái vật này vẫn âm thầm thức giấc và ăn những kẻ xấu số không may ở gần “miệng” nó.
Một cách may mắn, tàu IXPE đã ghi nhận sự sáng lên bất thường của những đám mây phân tử hình thành sao khổng lồ, cư trú gần “trái tim” quái vật này, và nhận ra chúng đang tỏa sáng nhiều hơn dự kiến trong ánh sáng tia X.
Các phân tích chỉ ra tia X này không phải tự các đám mây phát ra, mà bị phản xạ bởi ánh sáng từ một vụ bùng nổ của Sagittarius A*.
Các phép tính do nhà khoa học Frederic Marin từ Đại học Strabourg (Pháp) và các cộng sự thực hiện cho thấy vụ bùng nổ này chỉ mới xảy ra vào khoảng thế kỷ XIX, nhờ các sự kiện phản xạ phức tạp mà chúng ta có thể “nhìn qua gương” với độ trễ khá thấp.
Theo các tác giả, điều này không có nghĩa lỗ đen đã sống dậy theo kiểu trở lại thời tuổi trẻ ăn điên cuồng của nó. Thực tế, dù được cho là “ngủ”, Sagittarius A* vẫn sở hữu một vùng lực hấp dẫn mạnh xung quanh, đủ để xé toạc mọi vật thể không may bay qua trong phạm vi quá gần.
Lần này bữa ăn của lỗ đen đã kéo dài một năm rưỡi, một thời gian lớn với con người nhưng với vòng đời của các thiên thể thì chỉ như một cái chớp mắt.
Vẫn chưa biết chính xác vật thể bị Sagittarius A* xé toạc, nhưng giả thuyết lớn nhất là các ngôi sao vừa ra đời trong các đám mây phân tử đó. Điều này cũng có nghĩa Sagittarius A* không chỉ thức dậy một lần vì có rất nhiều “bữa ăn nhẹ” luôn sẵn sàng xung quanh.
Phát hiện mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 21-6.