Phương pháp dạy con của ông bố phương Tây khi trẻ phạm lỗi có thể giúp các bậc phụ huynh giáo dục con cái tốt hơn.
Tình yêu thương và tấm lòng bao dung chính là cách giáo dục con cái hữu hiệu nhất thay vì đòn roi và những lời lẽ cay nghiệt, dễ tạo gánh nặng tâm lý cho trẻ và khó rũ bỏ về sau. (Ảnh: Getty)
Một cậu bé 14 tuổi trên đường về nhà bắt gặp cuốn sách cậu yêu thích từ lâu. Nhưng buồn thay trong túi cậu bé không đủ tiền để mua cuốn sách. Vì quá yêu thích cuốn truyện, cậu bé đã tự cầm nó và cho vào túi, với ý định mang về đọc trước rồi xin cha cho tiền mai mang qua trả chủ hiệu.
Tuy nhiên cậu bé đâu ngờ chủ hiệu đã phát hiện và mắng mỏ dữ dằn. Tiếp đó chủ hiệu thô bạo kéo cổ cậu bé tới đồn cảnh sát báo án. Một số viên cảnh sát đã liên tiếp hỏi cung khiến cậu bé sợ muốn chết, nước mắt cứ thế rơi mà không nói được gì.
Cuối cùng người cha cũng nhận được tin báo và vội vàng tới sở cảnh sát nơi đang tạm giam con trai ông. Khi gặp con trai, ông không hề mắng chửi hay tỏ thái độ tức tối. Ông chỉ nhẹ nhàng xoa đầu con như an ủi rồi nói với chủ hiệu và cảnh sát.
“Chuyện có thể là hiểu lầm”, ông khẳng khái nói, “tôi hiểu rõ con trai mình, con trai tôi là một đứa trẻ biết điều và biết phải trái, có thể nó rất thích cuốn sách này nhưng không đời nào lại lấy cắp cả. Tuy nhiên tôi sẵn sàng trả giá gấp 3 để mua lại cuốn sách này và chúng ta hãy chấm dứt mọi chuyện tại đây”.
Rồi người cha giở ví ra trả tiền mua cuốn sách với giá đắt gấp 3 lần. Con trai ông vô cùng bất ngờ. Khi cậu nhìn cha, ánh mắt người cha vẫn dịu dàng và tràn đầy yêu thương. Cha không trách cứ con trai mà thay vào đó là sự cảm thông, thương mến.
Khi đã ra khỏi đồn cảnh sát, cha dừng lại, nâng khuôn mặt đang cúi gằm vì ngại ngùng của con trai và chậm rãi nói: “Con trai, trong cuộc đời mỗi người, không ai là không phạm phải sai lầm. Đừng để chuyện này ám ảnh và trở thành bóng đen đè nặng tâm hồn còn thơ dại của con. Điều quan trọng là biết nhận ra sai lầm của mình để về sau không phạm phải và sống tốt hơn. Hãy hứa với cha từ nay con sẽ không bao giờ lầm lỗi nữa, cha tin con sẽ làm được vì con là đứa con trai cha mẹ yêu quý nhất. Cha mẹ luôn luôn tự hào về con”.
 Rồi người cha trang trọng đặt cuốn sách vào tay con trai. Cậu bé xúc động rơi nước mắt và lao vào vòng tay ấm áp của cha mình. Kể từ đó, cậu bé luôn tự nhủ và nỗ lực sống thật tốt, thật ngoan để không phụ lòng cha mẹ.
Đó là cách giáo dục con của người phương Tây. Một số phụ huynh khi gặp tình huống này có thể mắng chửi con cái để giải tỏa nỗi bực tức vì con hư, đồng thời cũng nhằm giữ thể diện cho bản thân thông qua những hình phạt đối với con trẻ.
Làm vậy không có gì khó, nhưng hậu quả để lại khôn lường. Giáo dục trẻ cần có tình thương yêu và sự nhẫn nại. Nên nhẹ nhàng hướng tới tâm tư tình cảm của trẻ, phụ huynh mới có thể dạy con nên người. Hình phạt và những lời lẽ cay nghiệt, có thể phản tác dụng. Trẻ bị cha mẹ không ngừng trách mắng khi phạm lỗi có thể sẽ chất chứa trong đầu gánh nặng tâm lý nghiêm trọng, khó mà rũ bỏ về sau. Làm như vậy, đâu có tốt cho con cái của họ?

Theo Minhbao.net

Categorized in: