Khoảng thời gian trước 6 tuổi, trẻ có thể tiếp thu nhanh cũng như nhớ rất lâu những gì người lớn dạy bảo. Vì vậy ba mẹ không nên bỏ lỡ những ngày này để giúp con hiểu biết hơn về cuộc sống và vun bồi những phẩm chất tốt đẹp cho con.

Dưới đây là những bài học quan trọng mà ba mẹ cần trang bị cho con trẻ giai đoạn trước 6 tuổi:

  1. Dạy con cách ứng xử

Ba mẹ hãy dạy cho bé biết cách nói “Xin chào”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Chào buổi sáng”, “Chúc ngủ ngon”, “Mời cả nhà ăn cơm”… từ sớm để thói quen đó đi vào tiềm thức của con. Tiền đề lớn nhất cần có là ba mẹ phải làm gương cho con cái. Với những việc ba mẹ không làm được thì khó lòng con trẻ có thể làm. Đừng để khi nhà có khách con phải thắc mắc: “Sao ba mẹ không chào mà con lại phải chào?”. Bạn nên coi việc chào hỏi đúng cách là một quy tắc trong gia đình mà cả ba mẹ và con cái đều phải tuân theo.

Khi nói chuyện với con, ba mẹ nên lưu ý không nói giọng dỗ dành, nũng nịu, tránh làm con bị phát âm ngọng sau này. Lời chào, sự lễ phép của trẻ em đối với thầy cô, người lớn tuổi là một phẩm chất, một kỹ năng không thể thiếu trong cuộc sống. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nhân cách trẻ em và có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng giao tiếp, công việc, hoạt động xã hội của con trong tương lai.

  1. Dạy con về sự biết ơn

Lòng biết ơn nên được lồng ghép vào các bài học mà ba mẹ dạy trẻ. Bởi nó sẽ khiến trẻ biết trân trọng những gì mình đang có và biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Nên kể những câu chuyện hay liên quan đến lòng biết ơn để trẻ hiểu hơn và cảm thấy may mắn với những thứ đang có xung quanh mình.

Cha mẹ cũng có thể tạo ra “những bất ngờ” cho con trong quá trình nuôi dạy trẻ. Trong cuốn sách 12 Tips For Teaching Children Gratitude của tác giả Kathleen Berchelmann có viết rằng: Ngạc nhiên giúp trẻ em nhận thấy mọi vật xung quanh không phải hiển nhiên có được. Có quá nhiều sự lựa chọn sẽ dẫn đến bất hạnh vì khi đó bạn luôn mong muốn sở hữu một cái gì đó tốt hơn. Một đêm nọ, chúng tôi đã thử trò chuyện với con về nơi cả nhà có thể cùng nhau đi nghỉ hè. Trong vòng 5 phút, Disney World vốn là thiên đường trẻ thơ nhưng lại trở nên không phải là lựa chọn tốt nhất. Mỗi đứa trẻ đều có ý kiến riêng và chúng tỏ ra không hài lòng với những đề nghị của chúng tôi. Tôi đã nhanh chóng kết thúc câu chuyện, và khoảng một tuần sau đó, tôi tuyên bố rằng mình có một bất ngờ lớn: Chúng tôi sẽ đi cắm trại! Tôi đã vạch ra kế hoạch cho chuyến cắm trại tại công viên quốc gia và bọn trẻ tỏ ra không gì có thể vui hơn thế nữa. Sau đó, chuyến đi với kinh phí thấp của chúng tôi lại trở thành một thành công tuyệt vời.

  1. Dạy con biết cách nhận lỗi

Ba mẹ nên dạy bé chủ động nhận lỗi khi làm sai. Không nên chỉ trích nặng nề vào chỗ sai của bé, hãy khích lệ bé khi biết nhận lỗi của mình. Vì tự giác luôn tốt hơn so với ép buộc nên ba mẹ cần phân tích lỗi sai và giúp trẻ nhận ra cái sai đó. Ba mẹ có thể tham khảo những mẹo này để dạy con nhận lỗi mà không làm con tổn thương:

– Ba mẹ chủ động nói lời xin lỗi khi làm gì đó sai, bất kể đó là với người kém tuổi hơn, trẻ nhỏ hay món đồ chơi (vì ba mẹ lỡ làm hỏng khiến con buồn v.v…). Tấm gương tốt nhất để con học theo chính là nhân cách của ba mẹ.

– Hướng dẫn con nói xin lỗi kèm với lý do. Dù lý do khiến trẻ tức giận là gì đi chăng nữa, hãy bắt đầu quá trình nhận lỗi bằng cách yêu cầu trẻ nói hoàn chỉnh một câu: “Con xin lỗi vì…”. Càng cụ thể càng tốt.

– Dạy bé những trường hợp giả định: Cùng bé chơi những hoạt động giả định. Ví dụ nếu bé đánh vào người anh trai và hỏi xem lời xin lỗi của bé trong hoàn cảnh này là cần thiết hay không. Càng nhiều tình huống giả định, bé sẽ càng dễ hình dung, từ đó biết sớm nhận ra những lỗi mà mình gây ra để có lời xin lỗi kịp thời.

– Ba mẹ hãy cho con hiểu “sự nhận lỗi” đi kèm với “sự tha thứ”: Sau khi con nhận lỗi, bạn cần nhẹ nhàng nói chuyện, phân tích và nhắc nhở con nên cố gắng làm thế nào để cư xử tốt hơn trong tương lai. Bây giờ bạn cần giúp trẻ có một tấm lòng bao dung rộng lượng với mọi người, với ba mẹ, và biết cách linh hoạt biến chuyển các tình huống để cả hai bên cảm thấy tốt hơn.

Muốn dạy trẻ biết vị tha, trước hết hãy luôn làm gương cho trẻ, ba mẹ cần thể hiện thái độ rộng lượng trước những hành động hay thái độ tiêu cực mà trẻ cũng như những người xung quanh gây ra. Chỉ khi chứng kiến bố mẹ sống tốt, rộng lượng, trẻ mới học theo một cách dễ dàng.

  1. Khuyến khích con giúp đỡ mọi người

Để xây dựng nền tảng con người lương thiện cho con, ba mẹ nên tạo điều kiện để con giúp đỡ người khác. Ví dụ mẹ nấu món ăn để biếu bác hàng xóm, hãy thủ thỉ với con về mối quan hệ tốt đẹp của gia đình mình với bác và nhờ con giúp chuẩn bị nguyên liệu (bóc vỏ hạt đậu, bóc vỏ trứng cút…). Hoặc khi soạn quần áo làm từ thiện, mẹ hãy hướng dẫn con gấp đồ để cho vào thùng. Hãy dạy con “Cho đi tốt hơn là nhận về”. Ba mẹ nên dẫn con đi mua sắm tại cửa hàng đồng giá. Hãy thử thách con chọn quà cho mọi người mà không cần mua quà cho mình. Thật không dễ phải không nào!

  1. Hướng dẫn con làm việc nhà

Vì con còn nhỏ, ba mẹ không cần bắt con phải làm những việc quá sức như rửa bát, quét nhà, dọn dẹp… Bạn hãy nhắc nhở con những thói quen cơ bản như để chăn gối gọn gàng, giúp mẹ dọn bàn ăn (lưu ý không dùng đồ dễ vỡ), tưới cây (bằng bình xịt nhỏ)…

Hầu hết trẻ có khoảng 4 tiếng đồng hồ kể từ khi ở lớp mẫu giáo về đến trước khi đi ngủ. Trong khoảng thời gian này trẻ phải hoàn thành bài tập về nhà, làm bài tập thủ công, ăn tối và tắm trước khi đi ngủ. Thật khó để dành thời gian cho trẻ làm việc nhà. Tuy nhiên, nếu không dạy trẻ làm việc nhà từ sớm, trẻ không thể hiểu được làm việc nhà thật không dễ và không biết thông cảm với sự vất vả của cha mẹ. Do đó, bạn hãy tìm công việc phù hợp lứa tuổi cho trẻ thậm chí chỉ cần 5-10 phút mỗi ngày. Và điều đáng mừng là hầu hết trẻ em đều rất thích giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, hãy tạo niềm vui cho trẻ thông qua những việc nhỏ bé mà trẻ có thể làm được.

Theo thời gian, trẻ sẽ dần trở nên coi trọng vật chất và luôn xem mình là trung tâm, tuy nhiên chúng sẽ thay đổi khi được dạy dỗ. Do đó, ba mẹ cần trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng sống cần thiết cho con mình trước 6 tuổi để giúp trẻ định hình một nhân cách sống đúng đắn. Và chính từ một con người có nhân cách tốt, niềm vui gia đình sẽ được thăng hoa.

Categorized in:

Tagged in:

,