Biết lắng nghe và thấu hiểu là một trong những phẩm chất không thể thiếu của một người gọi là “tốt”.
Người tốt trước hết phải là người biết lắng nghe và thấu hiểu. Ảnh: Internet
Biết lắng nghe và thấu hiểu, không hề dễ. Chúng ta thường hay nói về một người “tốt” và người “xấu”. Mọi người có thể chỉ hiểu đơn giản người “tốt” là người không phạm tội sát sinh và hay giúp đỡ người khác, thế gọi là “tốt” rồi. Tuy nhiên cách hiểu đó mới chỉ đúng một phần.
Mỗi khi bạn đi qua một khu dân cư, một ngôi nhà, bạn có thể tưởng tượng được rằng trong từng ngôi nhà đó tốt nhất hãy là một mái ấm. Mái ấm là nơi con người chung sống với nhau. Họ không chỉ đơn thuần cộng sinh mà còn chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn, đó mới gọi là “mái ấm”. Mỗi một mái ấm trọn vẹn như thế sẽ góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, bởi vì những thành viên hạnh phúc trong gia đình không thể làm điều xấu, bởi họ quan tâm đến hậu quả của việc mình làm sẽ ảnh hưởng thế nào tới những người thân yêu, hay tới gia đình hạnh phúc của họ.
Xét rộng ra ngoài xã hội, đó là cả một thế giới lớn, vô cùng lớn. Có rất nhiều trong xã hội đó, và mỗi cá nhân nhỏ bé trong cả một xã hội lớn sẽ nhìn đời qua một lăng kính riêng của họ.
Những người cùng chí hướng, họ sẽ cùng chia sẻ lăng kính này. Ví dụ như một gia đình hòa hợp, chắc hẳn cách họ nhìn cuộc sống, nhìn ra ngoài phạm vi mái ấm của mình cũng giống nhau.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, cho dù lăng kính nhìn ra thế giới bên ngoài có khác nhau đi chăng nữa, vấn đề nằm ở chỗ liệu các cá nhân có biết lắng nghe và chia sẻ để thấu hiểu và cùng hợp tác với nhau vì một điều gì đó tốt đẹp hơn, dù không cần quá lớn lao? (bạn nên lưu ý rằng mọi điều vĩ đại đều dựa trên từng viên gạch nhỏ bé của những điều tốt đẹp).

Bằng cách lắng nghe ý kiến của người khác, bạn trước tiên đã thấu hiểu được lăng kính của họ thế nào. Việc mở rộng tầm nhìn và sẵn lòng học hỏi không hề khiến bạn kém cỏi hay thiệt thòi, mà chỉ có lợi cho bạn. Bởi vì có một thực tế mà không ai có thể phủ nhận được: Đó là con người không phải Đấng Toàn Năng.

Có câu không ai hoàn hảo, ý nghĩa của câu này tương tự như những gì vừa viết ở trên. Một mình bạn không thể làm tốt được một việc nếu như có thêm ít nhất 1 người như bạn nữa chung sức vào. Người đó khó có thể đúng là bạn bởi vì bạn là duy nhất trên đời này rồi. Nhưng người đó có thể là một ai đó biết lắng nghe để thấu hiểu và cùng chung chí hướng với bạn. Lấy một ví dụ rất đơn giản thôi, để mang một đồ nội thất có kích cỡ cồng kềnh, một mình bạn cho dù to con đến đâu cũng khó mà làm nổi. Nhưng nếu có thêm 1 người nữa vào trợ giúp, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên chỉ dễ dàng hơn khi hai người cùng thống nhất “cách mang” đồ vật đó như thế nào. Nếu bạn muốn đi hướng bắc mà người này lại khăng khăng hướng nam, thì có chờ cả ngày cũng chuyển đồ không xong! Bởi vì đây là công việc của một tập thể, và mỗi cá nhân trong tập thể đó cần biết lắng nghe, biết thấu hiểu và cùng “hướng” với nhau, thì chuyển bao nhiêu đồ cũng xong….và ngược lại!

Những người luôn nghĩ mình “quá giỏi” không thể là người tốt.

Là con người ai cũng có cái tôi, và nó được đánh giá ngang lòng tự trọng hay phẩm giá. Tuy nhiên nếu cái tôi quá lớn, nó sẽ khiến con người bỗng dưng coi mình trở thành “lớn” theo và rồi rơi vào ảo tưởng. Những người ảo tưởng như vậy thường rất khó cộng tác với họ, bởi vì họ không bao giờ biết lắng nghe, không bao giờ biết thấu hiểu và chung chí hướng với bất kỳ ai. Đơn giản vì họ nghĩ mình “quá giỏi”! Những người “quá giỏi” như vậy, chắc chắn sẽ không thể trở thành người tốt được, bởi vì họ không thể cộng tác được với ai để làm bất kỳ điều gì, họ không thể giúp đỡ ai bởi họ luôn cảm thấy không hài lòng về sự “kém cỏi” của người đó, và họ càng không thể là động lực phát triển xã hội, bởi lẽ một nỗ lực của cá nhân đơn lẻ chẳng có thể làm nên được điều gì to tát. Chính vì nghĩ mình “quá giỏi” nên họ mất đi khả năng hợp tác vốn dĩ của con người, và muốn phát triển xã hội, cần có sự cộng tác-đó là chân lý bất biến.
Một điều đáng buồn hơn cả với người không biết lắng nghe và thấu hiểu, đó là họ sẽ trở nên ích kỷ. Một người ích kỷ liệu có thể là người tốt? Không đời nào. Vì sao họ ích kỷ? Vì họ không muốn nghe những lời góp ý chân thành, họ không cần ai “chỉ dạy”, vì họ “quá giỏi” rồi. Những người “quá giỏi” như thế sẽ không bao giờ biết nhìn ra sự “không quá giỏi” của bản thân mà thay đổi, và họ chỉ đi theo quỹ đạo của riêng mình mà thôi. Chỉ khi nào họ gây hậu quả, có thể họ sẽ rút ra bài học gì đó, nhưng cũng có thể không.
Và điều tệ hại cuối cùng cho người không biết lắng nghe và thấu hiểu, đó là họ sẽ dần tụt hậu so với những người xung quanh. Việc lắng nghe và thấu hiểu cũng là cách để bạn hoàn thiện bản thân. Điều này tương tự như câu nói “biết mình biết người”. Nếu bạn nhìn nhận ra được điều chưa được ở bản thân và biết tán dương để học hỏi điều đã được ở người khác, bạn sẽ là người chiến thắng! Một người biết lắng nghe và chia sẻ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho bản thân, cho người xung quanh và xã hội bởi sự sẵn sàng tương trợ và cộng tác, bởi trí lực ngày càng được hoàn thiện và bởi tấm lòng độ lượng, phóng khoáng.
Hãy biết lắng nghe và thấu hiểu để rộng mở và có thể cộng tác với những người xung quanh, khi ấy bạn chắc chắn là một người tốt. Điều này không khó, nhưng lại không dễ làm. Hãy bắt đầu làm một người tốt từ điều đơn giản nhất, vì chỉ có bạn mới chiến thắng được chính mình, bạn sẽ thấy cuộc sống tuyệt vời biết bao, bởi bạn có thể làm được rất nhiều điều cho bản thân, cho người xung quanh mình và cho toàn xã hội.

Theo Minhbao.net/ Jordan Pearce

Categorized in: