Nhưng tài sản rồi sẽ tiêu tán, tướng mạo sẽ tàn phai, quyền lực rồi cũng mất. Chỉ có nhân phẩm tốt đẹp mới vĩnh viễn không suy bại. Vì nhân phẩm là vinh dự của một đời người. Giữ vững nhân phẩm mới giữ được tài sản lớn nhất, mới giữ được giá trị lớn nhất của con người.
- Đối nhân xử thế, thành tín đứng đầu
Chúng ta kết giao với một người thường bắt đầu từ niềm tin vào nhân phẩm của người đó. Một người nếu không thể khiến người khác tin tưởng nhân phẩm của mình, thì dù anh ta có năng lực lớn đến đâu cũng khó đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Có một công ty lớn cần thuê trợ lý kế toán, người này sẽ được chuyên viên nhân sự phỏng vấn và sàng lọc. Mỗi ngày, có rất nhiều người đến phỏng vấn. Sau nhiều lần lựa chọn, chỉ còn lại 3 người. Tuy nhiên, năng lực của ba người này gần như tương đương, khiến chuyên viên nhân sự rất đau đầu không biết chọn ai, đành xin chỉ thị của ông chủ. Ông chủ chỉ hỏi họ vỏn vẹn một câu: “Bạn làm thế nào để giúp công ty trốn khoản thuế 500.000 nhân dân tệ?”
Lúc đó, người thứ nhất và người thứ hai đều nói họ có thể tạo tài khoản giả. Ông chủ gật đầu, nhưng không nói gì, chỉ bảo họ chờ thông báo. Đến lượt cô gái cuối cùng. Ban đầu, cô sửng sốt giây lát, sau đó im lặng một lúc lâu mới hỏi: “Ngài nhất định phải làm vậy sao?” Ông chủ gật đầu. Cô gái liền cáo từ bước ra từ bỏ buổi phỏng vấn.
Lúc này, ông chủ đột nhiên đứng lên, cười với cô và nói: “Cô ơi, xin vui lòng đợi, cô là người trung thực và có nguyên tắc nhất trong số những ứng viên này. Chúc mừng cô đã vượt qua buổi phỏng vấn!” Sau một thời gian làm việc, cô gái trẻ này đã được thăng chức thành một tổng thanh tra kế toán đáng tôn trọng.
Trong ‘Lễ Ký’ có nói: “Đức giả, đắc dã” , nghĩa là: Người có đức ắt sẽ đắc được. Nhân phẩm là thứ hữu hiệu nhất để thử lòng người, đó cũng là sự thành tín và là ranh giới cuối cùng của việc đối nhân xử thế cơ bản.
Có một câu chuyện ngụ ngôn thú vị như sau:
Thượng đế có một chiếc cân, chuyên cân sức nặng của nhân phẩm. Ngài bỏ một quả cân vào một bên của cái cân để làm tiêu chuẩn, trọng lượng vượt quá quả cân này thì là người thượng phẩm (người có nhân phẩm cao) còn trọng lượng nhẹ hơn quả cân này thì là người hạ phẩm (người có nhân phẩm thấp).
Một hôm, một người nghèo nàn tới, không mặc gì nhảy lên cân, sức nặng thật to lớn vượt qua quả cân. Thượng đế khen: “Được! Là thượng phẩm”. Lại có một phú ông đi tới, ông sợ mình không đủ sức nặng sẽ bị liệt vào hạ phẩm, nên vấn một cái đai lưng bằng vàng rất dày ở ngang hông, rồi tràn đầy lòng tin bước lên cân. Quả nhiên vừa lên cân, phú ông nặng hơn quả cân. Nhưng Thượng đế lại lắc đầu nói: “Là hạ phẩm!” .
Phú ông tức giận, hướng về phía Thượng đế hỏi: “Cái cân này không chuẩn! Tên nghèo hèn kia cái gì cũng không có, ta người mang muôn vàng châu báu, sao sức nặng lại không bằng hắn!”
Thượng đế đáp: “Cái cân này không cân giàu nghèo, mà chuyên cân nhân phẩm. Nếu không có gì khác, xương của người đàn ông nghèo hèn kia nặng hơn nhiều so với ngươi. Không tính vàng thì xương của ngươi gần như không có trọng lượng!”
Thứ trân quý nhất của đời người không phải là tiền tài nhiều bao nhiêu, mà là thành công trong việc làm người thành tín. Phẩm đức tốt chính là danh thiếp tốt nhất của một người, và cũng là phong thủy tốt nhất của đời người.
- Tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình
Một ngày nọ, có tiếng ồn ào từ cổng một trường học. Hóa ra một phụ nữ đang la mắng bảo vệ của trường. Người phụ nữ đến gặp một người bạn làm việc trong trường này, nhờ bảo vệ mở cửa giúp và cho biết hồi sáng sớm đã đưa vé thông hành cho bảo vệ. Nhưng người bảo vệ vẫn làm theo thông lệ, đề nghị cô đăng ký. Người phụ nữ cho rằng không cần thiết phải phiền phức như vậy nên đã mắng bảo vệ: “Không phải ông chỉ là bảo vệ thôi sao? Có tư cách gì mà yêu cầu tôi!”. Bảo vệ cũng có chút tức giận, lớn tiếng đáp: “Đây là trường học. Muốn bảo vệ an toàn cho bọn trẻ thì phải làm vậy”.
Không ngờ, người phụ nữ này ấm ức khóc lớn để mọi người vào xem phân xử. Cô còn nói phải đưa người bảo vệ này khiếu nại đến phòng hiệu trưởng. Thật may sau đó bạn của cô chạy đến, cô gái này là người hiểu chuyện nên vội xin lỗi người bảo vệ, nhờ đó cuộc cãi vã mới lắng xuống. Người đến xem đều cảm thấy người phụ nữ này quá không có giáo dục, không biết tôn trọng người khác nên mới tạo ra sự việc náo nhiệt làm trò cười như vậy.
Kỳ thực, bất luận là người gác cửa hay nhân viên vệ sinh, mỗi công việc hay mỗi một người đều cần được tôn trọng. Cảm thông, thấu hiểu, bao dung với người khác không phải điều dễ dàng, nhưng là điều cơ bản nhất mà một người cần dày công tu dưỡng.
Giữa người và người sống chung với nhau, có lúc rất giống chiếc gương. Bạn cười với người, thì người cũng cười với bạn. Nếu bạn lịch sự với người khác, thì họ cũng sẽ đối xử lịch sự với bạn, và ngược lại. Đạo đức có thể bù đắp khuyết điểm về tài năng, nhưng tài năng không bao giờ có thể bù đắp khuyết điểm về đạo đức. Tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình.
- Biết ơn cuộc sống, tâm tồn giữ thiện lương
Khi còn bé, cha mẹ và giáo viên thường dạy trẻ phải có một trái tim nhân hậu, thiện lương. Bởi người tôn quý nhất trên đời chính là người giữ vững được sự thiện lương của mình.
Có câu chuyện xúc động kể rằng: Một người đàn ông Mỹ tên Aaron đã cố gắng tìm việc để đứa con 2 tuổi của anh không bị đói. Một ngày nọ, cuối cùng anh cũng nhận được một cuộc phỏng vấn. Anh đã rất hào hứng chuẩn bị từ rất lâu. Sáng sớm hôm đó, trong túi chỉ còn 2 đô la, anh lên xe buýt đến công ty xin việc.
Trên đường đi phỏng vấn gặp tai nạn giao thông, xe buýt chở anh dừng lại, nhưng không ai sẵn sàng xuống giúp. Aaron bảo tài xế mở cửa chờ anh đến cứu người bị thương, nhưng tài xế nói: “Xe buýt không đợi người. Tôi sẽ lái xe đi nếu anh xuống”.
Sau một lát đấu tranh tư tưởng, Aaron vẫn lựa chọn xuống xe cứu người, từ bỏ buổi phỏng vấn quý giá kia. Cuối cùng, bệnh nhân bị thương nhanh chóng được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Aaron chia sẻ: “Tôi đã bỏ qua cơ hội việc làm đó, bởi công việc có thể có lại, nhưng mạng người chỉ có một mà thôi. Lúc đó trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ cứu người”.
May mắn thay, nhờ sự tử tế của mình, anh đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin. Sau đó, anh nhận được nhiều lời mời làm việc, trong đó có cả công ty không cần phỏng vấn mà nhận làm ngay. Và cuộc sống nghèo khổ của anh cũng được cải thiện rất nhiều nhờ sự chung tay, góp sức của những người hảo tâm.
Thiện lương giống như một vòng tròn, nếu bạn biết cảm ơn và sống thiện lương thì một ngày nào đó, tất cả những việc tốt bạn đã làm sẽ được đền đáp theo những cách khác nhau. Như một nhà văn từng viết trong một bài báo: “Đôi khi, lòng tốt không báo đáp bạn ngay lập tức, nhưng nó sẽ mang đến cho bạn những điều bất ngờ. Đôi khi, lòng tốt sẽ đến theo một cách khác, để bạn cảm nhận được sự rộng lớn và phong phú của nó”.
- Ngàn học vạn học, phải học làm người
“Ngàn học vạn học, phải học làm người”. Đó là một câu nói của nhà giáo dục nổi tiếng Đào Hành Tri.
Trên đường đời này, chúng ta phải học cách có trách nhiệm với bản thân và đối xử chân thành với người khác. Học cách khoan dung, tôn trọng người khác, có thể suy nghĩ từ quan điểm của người khác. Học cách cảm ơn cuộc sống, tồn giữ thiện lương, và đối xử tử tế với hết thảy mọi người.
Một đời làm người nhất định phải lấy nhân phẩm làm nền tảng. Bởi nhân phẩm là thước đo đánh giá tốt hay xấu của một con người, cũng là mấu chốt quyết định thành công hay thất bại của một người, và là chỗ dựa đắc lực nhất của người đó.
Có nhân phẩm tốt mới là vốn liếng lớn nhất của chúng ta!