Vợ chồng vốn là tiền duyên, thiện duyên, ác duyên; không duyên thì không nên vợ nên chồng. Con cái nguyên là nợ cũ, thiếu nợ, trả nợ, có nợ thì mới đến làm con.

Hai người đến với nhau, trở thành người một nhà, là duyên phận đời trước. Đã có duyên thì đời này cần trân quý.

Con cái và cha mẹ trở thành người nhà trong đời này, cũng là do duyên phận.

Là cha mẹ thì có nghĩa vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái. Là con cái thì hiếu kính là trách nhiệm tất nhiên. Về ‘tiền duyên’ và ‘nợ cũ’, trong văn hóa truyền thống Á Đông, ngoài quan hệ luân lý gia đình thì còn có đạo lý nhân duyên quan trọng.

Người Á Đông có quan niệm về gia đình, dòng tộc rất mạnh mẽ. Cha mẹ còn mạnh khỏe, vợ chồng hòa thuận, con cái bình an ngoan ngoãn chính là niềm vui hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng vốn là tiền duyên

Ngạn ngữ có câu: “Dẫu thân cũng không bằng cha mẹ, dẫu gần cũng không bằng vợ chồng”. Nam nữ thế gian nhiều vô số, nên duyên vợ chồng thì chỉ có một tiền duyên. “Trăm năm tu được đi chung thuyền, ngàn năm tu được ngủ chung gối”, thế nên cần biết trân quý.

Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa. Trong cuộc sống hãy nghĩ nhiều hơn về mặt tốt của người kia, tha thứ cho họ những gì còn bất cập. Vợ chồng như đôi đũa, hợp lại với nhau mới nếm trải được đắng cay ngọt bùi của cuộc đời.

Văn hóa truyền thống xưa nay đều coi trọng hôn nhân bền vững. “Chu dịch” viết: “Đạo vợ chồng, không thể không lâu dài, do đó tiếp nhận giữ gìn cho bền vững”.

Trong “Kinh thi” cũng viết:

Nắm bàn tay em

Bách niên giai lão.

Vợ chồng đồng lòng, tự khắc phân chia gánh vác, nhất là lúc khó khăn, “vợ chồng như chim cùng tổ”, cùng chung vận mệnh.  Trên đường đời đằng đẵng, chẳng thể nào mọi sự như ý được. Khi một người phiền não, người kia nhẹ nhàng an ủi lòng nhau. Một nỗi khổ đau nếu hai người cùng gánh vác, sầu đau kia chỉ còn một nửa mà thôi.

Chữ “An” (安) là chữ có nội hàm. Trên là bộ ‘Miên’ (宀 ) nghĩa là mái nhà, ngôi nhà, dưới là chữ ‘Nữ’ (女) nghĩa là người phụ nữ, có ý nói với người đàn ông rằng: “Trong nhà có một người phụ nữ, thì tâm của anh mới có thể yên ổn được”. Thế nên người xưa lo cho con trai, đến khi cưới vợ cho con thì vui mừng nói: “yên bề gia thất”.

Người xưa nói: “Vợ hiền chồng yên”. Có người vợ hiền cai quản gia đình thì người chồng sẽ bình yên, an tâm gánh vác trách nhiệm xã hội, đây chính là ý nghĩa sâu sắc của chữ “An”.

Nếu người chồng là cột trụ chống đỡ cả gia đình thì người vợ chính là phong thủy trong nhà, quyết định con đường tương lai của gia đình.

Người xưa nói: “Vợ hiền chồng tự lành”

Người vợ hiền thục thì người chồng có ‘nội tướng hiền năng’, gia đình hòa thuận, người chồng không có nỗi lo đằng sau thì sự nghiệp mới dễ dàng thành công.

Một gia đình có hạnh phúc bình yên hay không, con cháu có thành tài hay không, đều có quan hệ rất lớn với mỗi lời nói, mỗi hành động của nữ chủ nhân trong gia đình.

Theo “Chu dịch”, phụ nữ có đức khôn, đức dày chở vật, có đức dày thì mới có thể gánh vác việc gia đình bề bộn, hiếu kính với mẹ cha, giúp chồng dạy con cái. Càn cương khôn nhu, phụ nữ giáo dục nuôi dạy con cái, thiện đãi với mọi người bằng đặc tính của người phụ nữ thiện lương ôn nhu.

Con cái nguyên là nợ cũ

Người xưa nói: “Cha mẹ nặng tình xưa nay thế, cháu con hiếu thuận mấy ai hay?”. Người xưa cũng nói: “Cháu con tự có phúc cháu con, chớ làm trâu ngựa cho con cháu”.

Hiện nay lưu hành câu nói: “Cha mẹ yêu con là biết rút lui thích hợp”.

Có bậc túc Nho xưa nói: “Con em gia đình phú quý, nếu ăn mặc sinh hoạt hoàn toàn giống như con em nhà nghèo, thì có thể thành bậc tài đức lớn. Nếu nhiễm thói quen phú quý, thì khó có hy vọng thành tài”.

Cha mẹ ngày nay mặc quần áo cho con, bưng bát cơm đến miệng con, nhét tiền vào tay con, sau đó nói: “Con xem cha mẹ đã vất vả nuôi con thế này”.

Ngày ngày sống trong bao bọc của cha mẹ, con trẻ sẽ dần dần mất đi sự tự tin, mất đi sự tôn nghiêm, mất đi năng lực sinh tồn. Sau đó cha mẹ lại hét lên: “Tại sao con không biết cố gắng? Tại sao cái gì cũng không biết làm? Lẽ nào con cứ để cha mẹ nuôi mãi?”.

Thậm chí khi con cái trưởng thành, có bậc cha mẹ còn sắp xếp, can thiệp vào công việc, tình yêu và hôn nhân của con, miệng còn nói: “Cha mẹ không yên tâm”. Kỳ thực đó chỉ là ham muốn kiểm soát mê muội.

Khi con trẻ chào đời đến bên cha mẹ, chúng thực sự nhỏ bé yếu ớt, thực sự cần giúp đỡ, nhưng tuyệt đối không được bao việc làm mọi chuyện. Con cái không chỉ cần có được tình yêu và quan tâm, mà chúng còn cần có được hy vọng và mơ ước.

Hãy để con trẻ học sống tự lập từ nhỏ, hãy trao cho chúng cơ hội, hãy để chúng biểu hiện tự tin vào bản thân, để chúng trưởng thành trong niềm tự hào, tự tôn, và tự trọng.

Ái tình vốn được cho rằng vừa gặp đã yêu thương, tình yêu sét đánh, nhưng lại chính là tiền duyên đã sắp đặt, nói cách khác là đã có an bài từ trước rồi.  Bất kể là cái duyên vợ chồng, con cái hay mẹ cha , cũng đều như vậy!

Categorized in:

Tagged in:

,