Người xưa rất xem trọng tu dưỡng đạo đức, lấy thành tín là nội dung tu dưỡng căn bản nhất trong tư cách đạo đức, cũng như trong quy phạm đạo đức “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Lòng thành tín của người xưa (đọc và ngẫm). Ảnh: Internet
Người xưa từ trong quá trình trời đất tạo thành vạn vật, nhận ra đặc tính không ngừng vươn lên của vạn vật trong đất trời, liền lấy đặc tính đó gọi là “诚”(Thành). Từ đó mở ra chuẩn mực hành vi cho con người: “Thị cố thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã” (nguồn gốc sự thành tín, là đạo của trời; thành tín của cá nhân, là đạo của con người). Chỉ ra con người ứng với sự thành tín mà tương thông với đạo trời.
“信”(Tín) theo kết cấu tạo chữ, “lấy lời nói của con người làm tin”, những luận thuật liên quan đến chữ tín có “Nhất nặc thiên kim” (Một lời hứa đáng giá nghìn vàng), “Ngôn tất tín, hành tất quả” (Lời nói nhất định phải thành thật, làm nhất định phải có kết quả), “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời đã nói, bốn con ngựa cũng khó đuổi kịp) …
Khổng Tử nhiều lần luận về chữ Tín
Khổng Tử dạy học trò thái độ đối với việc học tập là: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri” (Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết). Biết thì nói biết, không biết nói không biết, thế mới thật sự là biết; không tự cho mình là đúng, luôn khiêm tốn, lời nói phải đi đôi với việc làm.
Trong “Luận Ngữ” Khổng Tử nhiều lần đề cập chữ Tín khi đàm luận về đạo đối xử giữa người với người: “Vi nhân mưu nhi bất trung hồ?” (Làm tham mưu mà bất trung sao?), “Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ?” (kết giao với bạn mà không thật lòng ư?), “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Người mà không thành tín, không biết người đó còn có chỗ nào được. Xe ngựa không có nghê, xe đẩy không có chốt, làm sao có thể chạy được?). Người không thành thật thì không nên người, không thể dùng. Khổng Tử đàm luận về đạo lý trị vì quốc gia đại sự thì nói: “Dân vô tín bất lập”(dân không thành thật thì đất nước không vững bền), nhận định rằng “Tín” so với quân đội và lương thực còn quan trọng hơn.
Sự thành tín của cha con nhà họ Phạm
Thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm lúc còn trẻ đọc sách tại huyện Tuy Dương, có quen một nho sinh họ Lý. Một ngày, nho sinh kia bị bệnh nặng, nhờ người đến nói với Phạm Trọng Yêm: “Ta có một phương pháp luyện kim bí truyền, con ta tuổi còn nhỏ, không thể dạy thuật luyện kim cho nó, giờ ta phó thác phương pháp bí truyền này cho ông”. Nho sinh liền đem phương pháp bí truyền và một cân bạch kim đã niêm phong tốt giao cho Phạm Trọng Yêm, không bao lâu sau qua đời vì bệnh.
Vài năm sau, Phạm Trọng Yêm trở thành quan ngự sử, anh tìm được con của nho sinh kia, nói với nó: “Cha của con biết phương pháp luyện kim vô cùng kỳ diệu, năm đó cha con qua đời, vì tuổi con còn nhỏ, nên giao cho ta cất giữ; hôm nay con đã lớn, đúng là lúc nên trả lại cho con”. Thế là lấy ra phương pháp luyện kim bí truyền và khối bạch kim kia giao cho con trai của nho sinh, ký hiệu niêm phong vẫn còn nguyên vẹn, chưa từng bị mở ra.
Phạm Thuần Nhân là con trai của Phạm Trọng Yêm, vâng theo ý chí của cha, lúc làm quan tại Lạc Dương lấy thành tín tạo phúc cho dân, nơi đó không nhặt của rơi trên đường, đêm không cần đóng cửa.
Một lần tại sườn núi Bạch Tư Mã, có một cụ già ngồi nghỉ bên đường, có người đến nói cho cụ già: “Con nghé của cụ bị người ta trộm rồi”. Cụ già vẫn ngồi im không nhúc nhích, cũng không hỏi lại dù chỉ một câu. Một lát sau, lại có người đến nói chuyện con nghé bị mất với cụ, cụ già bình tĩnh nói với người nọ: “Anh không cần đi tìm, nhất định là có người đùa giỡn, đem nó đi giấu thôi”.
Người đi đường thấy kỳ lạ, đi lại hỏi cụ già: “Cụ ơi! Trong nhà cụ bị mất con nghé, người khác báo tin cho cụ, sao cụ lại thờ ơ vậy?”. Cụ già cười đáp: “Có Phạm đại nhân ở đây, ai lại nguyện ý đi làm ăn trộm chứ? Đó là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra”. Và quả nhiên, chỉ chốc lát, con nghé đã trở về.
Chủng Thế Hành không thất tín
Có một câu chuyện nổi tiếng về sự thành tín: “Chủng Thế Hành không thất tín với người Khương”. Thời điểm danh tướng Bắc Tống là Chủng Thế Hành đến trấn thủ biên cương tại thành Thanh Giản, tuần tra thăm hỏi bộ lạc người Khương.
Thủ lĩnh Nô Ngoa của gia tộc Ngưu vốn quật cường tự phụ, không nghe theo sự quản lý của quan viên địa phương triều Tống. Chủng Thế Hành cùng anh ta ước định, ngày kế tiếp sẽ đến dưới chướng thăm hỏi bộ tộc. Ai ngờ đêm đó tuyết rơi, ngày hôm sau đường hiểm khó đi, mà bộ lạc của Nô Ngoa lại ở một khe suối vắng vẻ. Chúng quan lại khuyên can Chủng Thế Hành đợi hôm nào lại thăm, Chủng Thế Hành kiên quyết muốn thực hiện ý đã định.
Nô Ngoa cho rằng tuyết rơi nên Chủng Thế Hành tất nhiên sẽ không đến; không nghĩ đến ông lại đạp tuyết mà tới, cảm phục, gấp gáp tụ tập gia tộc lại nghe lệnh. Từ đó về sau, dân tộc người Khương khu vực đó lần lượt quy thuận. Chủng Thế Hành không mảy may dùng đến quân đội, thu phục được lòng dân, sống hòa thuận cùng người Khương, được xưng là “Chủng gia quân”. Sau đó mỗi lần quân Tây Hạ xâm phạm đất Tống, người Khương liền thông báo trước, cũng hết lòng tương trợ, vì vậy quân Tống mỗi trận tất thắng, khiến biên giới được an bình.
Làm người thành tín, là căn bản trong xử thế, là một loại mỹ đức, càng là một loại trách nhiệm. Người xưa thường dùng tiêu chuẩn “Chí thành” (thành tâm thành ý) để ước thúc bản thân, cân đối quan hệ với người khác, đề cao tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Chúng ta nên tuân theo tiêu chuẩn đạo đức đã được người xưa đời đời lưu truyền này.
theo Vietdaikynguyen

Categorized in: