Lão Tử nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc, Cữu mạc đại ư dục đắc”, không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ, không có cái hại nào lớn bằng lòng tham muốn có được. Một vài người khi đã có được cuộc sống ổn định, tiếp đó lại truy cầu sự an nhàn. Khi đã có một cuộc sống an nhàn, họ lại muốn truy cầu hưởng thụ vật chất xa hoa.
Kỳ thực đắc được điều mình cần là phúc, tham lam quá nhiều ắt nhọc tâm. Vốn chỉ ăn hai bát cơm, nhưng vì tham thú cơm ngon canh ngọt mà ăn thêm một bát, ngược lại sẽ khiến tiêu hoá không tốt.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Thời xưa một vùng nọ gặp lũ lụt, 5, 6 người cùng chạy nạn. Một người trong số họ ra sức vùng vẫy, vắt kiệt lực nhưng vẫn không thể bơi nhanh được. Người bạn đồng hành thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi: “Bình thường khả năng bơi lội của anh là tốt nhất, hôm nay sao lại rớt lại sau cùng thế này?” Anh ta thở hổn hển đáp: “Lưng tôi có dắt nhiều tiền, dưới nước nặng quá, nên bơi không nổi.” Những người bạn đồng hành nhao nhao khuyên anh ấy vứt số tiền đó đi: “Mệnh sắp chẳng còn, còn cần tiền làm gì?” Nhưng người đó vẫn cố chấp không nghe, cuối cùng những người khác đều thoát nạn, duy chỉ có anh ta bị chết đuối giữa dòng nước lũ.
“Đạo Đức Kinh” có câu: “Thịnh ái tất đại phí, đa tàng tất hậu vong”, quá chấp ắt thống khổ, tham lam ắt diệt vong. Quá chấp trước vào một sự việc gì đó, cuối cùng sẽ phải trả giá đắt. Nỗi thống khổ của con người đều bắt nguồn từ lòng tham, đừng để những chuyện phiền nhiễu bên ngoài xâm chiếm cái tâm mình.
Đừng vì lòng tham mà ngăn trở con đường của người khác. Đường là để mọi người cùng đi, đi càng nhiều mới có thể càng khiến con đường dưới chân bình phẳng.
Đừng vì dục vọng, mà tranh giành những thứ mình không nên đắc. Bởi lẽ đức không xứng vị, thường sẽ mang đến tai ương.
Sướng khổ trong đời người đều bắt nguồn từ cái tâm của chúng ta. Nếu muốn sống vui vẻ, trước tiên đừng khởi lòng tham, đừng động vọng niệm. Mà muốn như vậy thì cần phải thông tỏ.
Con người sống trên đời, điều khó nhất chính là hai chữ “Thông tỏ”. Khi đã nghĩ thông tự nhiên sẽ mỉm cười, khi nhìn tỏ mới có thể buông tay.
Cổ nhân từng có câu kệ rằng:
Xuân hữu bách hoa, Thu hữu nguyệt,
Hạ hữu lương phong, Đông hữu tuyết.
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
Dịch là:
Xuân có trăm hoa, thu có trăng,
Hạ có gió mát, Đông có tuyết.
Nếu lòng chẳng có sự lo phiền,
Chính là thời tiết đẹp chốn nhân gian.
Những chuyện phiền não trên cõi hồng trần thế gian rất nhiều. Nếu không đối đãi bằng tâm bình thường, coi nhẹ, bạn sẽ luôn cảm thấy những phiền não này dính mắc trong tâm.
Những người thực sự có tầm nhìn lớn, thường biết rõ mình muốn gì, họ sẽ tiến thẳng tới mục tiêu mà tâm không bị quấy nhiễu bởi lòng tham và dục vọng.
Những người như vậy lại càng không bận lòng vì người xấu, chuyện dở, không vì được mất trong quá khứ mà lãng phí thời gian vào những chuyện vụn vặt.
Làm người quý ở cảnh giới, không tham lam, không phiền luỵ, có thể giải thoát khỏi những áp lực và phiền muộn. Nhờ vậy con người mới có thể tập trung tinh thần làm những việc thực sự hữu ích.