Đi nhiều để có thể trải nghiệm nhiều hơn, trên con đường mà mình đã lựa chọn. Và đến một ngày, chúng ta đều nhận ra rằng, ‘Cuộc sống chính là cho đi, mà không cần nhận lại’. Có những sự việc, thực sự ta cần phải buông bỏ, thì mới có thể tiếp tục bước tiếp về phía trước. Song có những việc, ta phải gánh trên vai mà đi… Có đôi lúc, cuộc sống thực sự khiến cho ta cảm thấy mệt mỏi. Và khi đứng trước một câu hỏi, ta phải phân vân để tìm ra đáp án cho mình.

Vậy, điều gì khiến cho chúng ta phải băn khoăn? 

Có một câu chuyện vui, nói về giá trị của việc hiểu được sự buông bỏ trong cuộc sống như sau: Một hôm, Giáo sư đem lên giảng đường một cốc nước. Ông nhẹ nhàng giơ cốc nước lên, và mời các học viên của mình đoán về trọng lượng của nó. Các học viên trong lớp lần lượt đưa ra các đáp án. Đến lượt một sinh viên nọ, anh ta nói: 

– Chiếc cốc này có thể nhấc lên bằng một tay, thì khẳng định là nó rất nhẹ.

Vị Giáo sư đáp:

– Điều đó là đương nhiên! Nhưng hãy thử nhấc lên, và giữ nguyên như vậy trong một phút, thì kết quả sẽ như thế nào?

Tất cả đều đồng thanh trả lời: 

– Không thành vấn đề…!

Giáo sư tiếp tục hỏi:

– Vậy, nếu ta nhấc nó lên và giữ nguyên như thế trong một giờ đồng hồ?

Một sinh viên mạnh dạn nói:

– Làm như vậy sẽ rất mỏi, và thậm chí cánh tay sẽ cảm thấy đau đớn đến mức không thể nào chịu nổi.

Đây cũng chính là câu trả lời, mà vị Giáo sư muốn nghe. Vị Giáo sư già ôn tồn, nói: 

– Các bạn biết không? Trong cuộc sống, người ta sẽ phải trải qua rất nhiều đau khổ! Nó cũng giống như chiếc cốc mà các bạn đang cầm trên tay, không cần biết là bên trong chứa bao nhiêu nước. Chỉ cần, ta cầm nó lên và giữ nó trong một thời gian lâu, thì sẽ càng ngày càng đau mỏi. Và nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn không thể chịu đựng được nữa. Điều đó có nghĩa là: Nếu như trong cuộc sống, chúng ta có thể học được cách buông bỏ, thì rất nhiều đau khổ sẽ không còn nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng: “Buông bỏ chính là một sự thu hoạch lớn trong cuộc sống!”. Đó là điều đầu tiên, mà chúng ta cần phải học. Và chỉ khi, chúng ta thực sự học được cách buông bỏ, và làm thật tốt điều đó, thì cuộc sống mới có thể trở nên tốt đẹp hơn.

Buông bỏ dục vọng, quay về bản chất thiện lương

Phàm là một con người, ai ai cũng mong muốn được sống trong cảnh giàu sang và danh tiếng. Điều đó chẳng có gì là sai cả, vì phú quý và danh vọng có thể khiến cho cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên tốt đẹp hơn trong xã hội nhân loại. Nhưng xét cho cùng, vị thế hoàn toàn không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá về chất lượng cuộc sống là tốt, hay là kém.

Một tỷ phú, một doanh nhân, hay một ngôi sao danh tiếng lẫy lừng trên màn bạc… chưa chắc họ đều có một cuộc sống thực sự hạnh phúc, và thảnh thơi như chúng ta tưởng. Sự thật là trong xã hội hiện nay có rất nhiều người, tuy rằng họ có rất nhiều tiền, và rất nổi tiếng. Nhưng chưa hẳn, họ đã cảm thấy hạnh phúc và khoái lạc trong tâm, thậm chí không có một phút giây nào được bình an, quả đúng là:

“Sinh thời được ấm êm là mấy
Lợi – tình – danh đủ thấy bận lòng
Đèo bòng, theo đuổi, đếm đong
Xuôi tay nhắm mắt tay không nghẹn ngào”…

[Vô danh cư sỹ]

Vậy nên biết tiết chế dục vọng, quay trở về với bản tính thiện lương và các giá trị đạo đức nhân văn cao đẹp, ấy mới thực sự là cội nguồn hạnh phúc.

Buông bỏ quá khứ, và đối diện với tương lai

Chúng ta hãy cùng xem xem, một hoàn cảnh trong cuộc sống hết đỗi đời thường như thế nào? Tình huống như sau:

Trong lúc rửa bát, và người vợ không cẩn thận làm vỡ bát. Lúc này, người chồng sẽ phản ứng ra sao? Nếu là một người chồng tử tế, và thông minh. Anh ta sẽ nói: “Không sao đâu em, ngày mai chúng ta sẽ cùng đi mua một bộ mới nhé!”. Nhưng vẫn có những người, họ không thể bao dung được đến như thế. Trước tiên họ sẽ trách mắng, và chỉ cần mở miệng là sổ luôn một tràng: “Cô sao mà hậu đậu như thế? Ngay cả một cái bát, cô cũng không cầm nổi!”… Nếu hành xử như vậy, có thể sẽ làm nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, từ một vấn đề rất nhỏ nhặt, và nhiều chuyện không hay có thể sẽ xảy ra như: Cãi vã, đánh lộn, ly thân, v.v… và không khó để đoán rằng kết quả sẽ ra sao. Chi bằng, hãy biết buông bỏ những điều không hay và luôn luôn thể hiện là một người sống bao dung, độ lượng. Học cách lãng quên đi những buồn đau, oán thù trong quá khứ cũng chính là để nhớ rằng, ta đang có một tương lai tốt đẹp, vậy xin hãy:

“Viết oán thù lên cát
Để cho gió cuốn đi
Và xin hãy khắc ghi
Lòng biết ơn lên đá

Trăm sông dồn biển cả
Nhờ biết hạ thấp mình
Gió vô ưu vô hình
Nhờ buông – không vướng víu”…

[Vô danh cư sỹ].


Biết nắm bắt cuộc sống, mới hay vị của cuộc sống…

Trong một bài văn hay, có đoạn viết: “Cuộc sống như là một chuyến xe đi tới phía cuối đời, và trên đường đi sẽ có rất nhiều trạm dừng chân. Nhưng thật khó để tìm được người nào có thể đồng hành cùng bạn, suốt từ đầu cho đến cuối chặng đường. Khi người đồng hành cùng bạn muốn xuống xe; cho dù muốn hay không, dù là vui hay buồn, hãy giữ lại cảm xúc trong lòng mà nói: ‘Tạm biệt!’. Một người rời đi, rồi sẽ có người dũng cảm tiến đến. Đây chính là hình dạng chân thực của cuộc sống, và bằng cách này cuộc hành trình mới thực sự có thêm thú vị”. 

Trong kiếp nhân sinh, chúng ta luôn mong muốn có được cuộc sống hânhj phúc và thi vị. Đây cũng được gọi là một trạng thái ‘tiến vào và thoát ra’ – Học cách buông bỏ, nhưng đồng thời cũng phải học cách ‘nắm lấy’. Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn, và cơ hội không gõ cửa nhà ai hai lần. Vì vậy, hãy nắm lấy thời cơ!  

Nắm lấy trách nhiệm, và gánh vác nó

Chúng ta phải có trách nhiệm gánh vác, và đảm đương tất cả mọi việc trong cuộc sống. Khi một người biết gánh vác trách nhiệm trên đôi vai của mình, thì chính là đã thực sự trưởng thành. Chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy con cái, có trách nhiệm đối với công việc và đóng góp cho xã hội,v.v.. Đó chính là những điều mà mọi người đều phải có trách nhiệm gánh vác, và đảm đương. Có như thế, cuộc sống của bạn mới đầy đủ hương vị.

Làm người sống trên đời, biết được trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai: chịu đựng càng nhiều, tất nhiên cũng sẽ được càng nhiều.

Nắm lấy niềm hứng khởi trong cuộc sống…

Có người nói rằng: “Tôi đến thế giới này, không có mục đích gì ngoài kỳ vọng sẽ minh bạch được một vài đạo lý. Một khi gặp được những thứ mà tôi cảm thấy hứng thú, thì như vậy đã thực sự toại nguyện rồi!”

Đảm đương trách nhiệm, xả bỏ đi những thứ xấu trong con người, không có nghĩa là quên đi bản thân mình. Bất cứ khi nào, ở tại hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải yêu thương cuộc sống này. Đối với thế giới này, ta luôn luôn quan tâm với một niềm thôi thúc mãnh liệt, để yêu và coi cuộc sống như một sự khởi đầu mới.

Xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và nó cũng khiến cuộc sống của rất nhiều người trở nên quá vội vã. Đến nỗi, ‘linh hồn không theo kịp bước chân của người ta’. Và một khi linh hồn bị rớt lại phía sau, thì cũng có nghĩa là con người sẽ chỉ như một cỗ máy: cứng nhắc, buồn tẻ và ảm đạm… Điều đó có đáng sợ không? Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều người cảm thấy thấm mệt với cuộc sống, thậm chí họ bị bế tắc vì không tìm ra lời giải cho cuộc đời. Bởi lẽ, cuộc sống là một phạm trù quá mênh mông và phức tạp. Một người bình thường, sẽ không thể nào lý giải cho đúng được. 

Người xưa thường nói: “Đại đạo quý dung dị” (Đại đạo rất giản dị). Nếu mỗi chúng ta đều có thể sống hết mình, ai ai cũng biết trân quý cơ hội được sống trên cõi đời này, và thực sự thấu hiểu đạo lý đích thực của một kiếp nhân sinh. Như vậy, cuộc sống xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, và tất nhiên chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Categorized in: