Theo cách nhà khoa học, cấu trúc Richat có đường kính lên tới hơn 40km, nên dù xuất hiện từ hàng triệu năm trước, con người cũng chưa từng biết đến sự tồn tại của nó. 

Cấu trúc địa chất đặc biệt này chỉ được hai phi hành gia người Mỹ, Jim McDivitt và Ed White, phát hiện vào tháng 6/1965 khi đang làm việc trên tàu không gian Gemini 4.

Ngay lập tức, những đường tròn đồng tâm khổng lồ nằm giữa sa mạc rộng lớn cùng màu xanh của đất đá đã gây nên sự chú ý rất lớn trên toàn thế giới. Người ta gọi cấu trúc này là Con mắt của Sahara hay Mắt xanh châu Phi, vì hình dạng giống mắt người đến kỳ lạ khi được nhìn từ không gian.

Ban đầu, các nhà khoa học đã nghĩ đó là một miệng núi lửa, được hình thành từ sự va chạm của thiên thạch, nhưng giả thuyết này đã bị loại bỏ ngay khi không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của đá nóng chảy.

Rất nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu về cấu trúc này, nhiều giả thuyết được đưa ra. Có người cho rằng do thiên thạch tạo nên, hoặc do trầm tích núi lửa. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng cấu trúc Richat là dấu tích của một nền văn minh cổ xưa đã biến mất, nhưng tất cả đều không được công nhận.

Vị trí của Con mắt Sahara nhìn từ không gian. (Ảnh: NASA).

Ngày nay, lý thuyết được nhiều người biết đến rộng rãi nhất là của hai nhà địa chất Canada, Guillaume Matton và Michel Jébrak, đưa ra năm 2014, sau khi thực hiện hàng loạt nghiên cứu chuyên sâu. Họ cho rằng cấu trúc này được hình thành từ một sự thay đổi địa chất hơn 100 triệu năm trước.

Theo Michel Jébrak, giáo sư tại Đại học Quebec ở Montreal, người chuyên về tài nguyên khoáng sản, siêu lục địa Pangea tách rời, phân tách châu Phi và Nam Mỹ. Magma dần được đẩy lên bề mặt trái đất, nhưng không đều nhau, tạo ra một mái vòm các lớp đá, giống như một “mụn trứng cá” rất lớn. Điều này cũng tạo ra những đường đứt gãy đi qua con mắt.

Khoảng 100 triệu năm trước, một vụ phun trào dữ dội đã xảy ra làm sụp đổ mái vòm này. Sau đó, sự bào mòn của gió và thời gian đã làm phần còn lại để tạo ra Con mắt của Sahara mà chúng ta biết ngày nay. Mỗi vòng tròn có các loại đá khác nhau, chúng bị bào mòn ở tốc độ khác nhau. Vòng tròn màu nhạt gần trung tâm của mắt là đá núi lửa được tạo ra trong vụ nổ đó.

Tại đây, Michel Jébrak cũng phát hiện 4 loại đá: đá kimberlites, nằm cách bề mặt Trái đất khoảng 150km, đá này đôi khi chứa kim cương; đá carbonatites; bazan màu đen và đá rhyolit, đều là những loại đá nằm sâu dưới lớp vỏ Trái đất.

Tuy nhiên, ý kiến này vẫn gây nhiều tranh cãi. Cho đến nay, chưa có lý do nào thực sự thuyết phục giải thích nguyên nhân vì sao cấu trúc lại có hình dạng tròn hoàn hảo đến như vậy.

Bên cạnh phần giải thích khoa học, nhiều giả thuyết cho rằng Con mắt của Sahara có thể chính là lời giải cho thành phố Atlantis đã mất, một hòn đảo hư cấu được đề cập đầu tiên bởi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato hơn 2.300 năm trước.

Có giả thuyết cho rằng, con mắt của Sahara có thể chính là lời giải cho thành phố Atlantis đã mất. (Ảnh minh họa).

Theo Plato, quốc đảo không tưởng tồn tại khoảng 9.000 năm trước thời của ông và đã biến mất một cách bí ẩn. Các câu chuyện kể lại cho thấy thành phố đã chìm xuống biển sau trận động đất hoặc sóng thần. Các câu chuyện kể lại cho thấy thành phố Atlantis trên biển Địa Trung Hải kéo dài tới Crete, hòn đảo lớn nhất Hy Lạp. Edgar Cayce, nhà huyền môn Kitô giáo người Mỹ, cho rằng Atlantis và lục địa Á – Âu có kích thước tương đương.

Plato mô tả Atlantis có một hòn đảo trung tâm được bao quanh bởi các vành đai khác nhau – trong đó có cả những vành đai làm từ nước rất giống với Con mắt của Sahara. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn tin rằng một lượng lớn nước đã từng thoát ra khỏi Con mắt của Sahara, cho thấy nó có thể đã từng bị bao quanh bởi nước giống như Atlantis.

Theo truyền thuyết, thành phố Atlantis được xây dựng bởi thần Biển Poseidon. Ông đi khắp thế giới tìm kiếm hòn đảo lớn nhất cho đến khi thấy Atlantis, nơi sinh sống của những người đẹp và thông minh nhất thế giới. Tại đây, vị thần đã yêu Cleito. Để bảo vệ người yêu, Poseidon đặt thành phố trên đỉnh ngọn đồi biệt lập giữa biển và lấy tên Atlantis.

Điều trùng hợp là Con mắt của Sahara cũng được mô tả “nằm trong bóng tối của những ngọn núi ở phía bắc, nơi các dòng sông chảy xuống một thung lũng rộng lớn” tương đồng với vị trí được cho là nơi tọa lạc cuối cùng của Atlantis.

Dù nhiều người vẫn coi Atlantis chỉ là huyền thoại, nhiều giả thuyết cho thấy câu chuyện ngụ ngôn dựa trên các sự kiện có thật. Trong khi đó, chưa có lý do nào thực sự thuyết phục giải thích nguyên nhân vì sao Con mắt của Sahara lại có hình dạng tròn hoàn hảo đến như vậy.

Việc ngắm nhìn trọn vẹn “con mắt” là điều mà chỉ vài người trong số hàng tỷ người trên Trái đất có cơ hội. Đó là những phi hành gia, nhà khoa học thực hiện sứ mệnh không gian, nhưng vẫn có rất nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu muốn được đặt chân đến vùng đất kỳ lạ này.

Nguồn: KHOAHOCTV

Categorized in: