Con trai bị mù và bại liệt, người mẹ ở Tiền Giang phải chở bé lên Sài Gòn để học, chữa trị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Quãng đường 2 mẹ con phải đi hàng ngày là 160 km.
Các giáo viên tại đây thán phục về tình yêu mà chị Phương dành cho con. Nhà ở Tiền Giang, mỗi ngày 2 mẹ con vượt quãng đường vừa đi vừa về là 160 km.
|
Cách đây một năm, chị được người quen giới thiệu cho con trai tới học trường Nguyễn Đình Chiểu.
|
Tìm được trường cho bé đã khó, việc cùng con ngày ngày đến lớp còn vất vả hơn nhiều. “Từ ngày con tới trường, mọi công việc tôi phải tạm gác lại để cùng con lên Sài Gòn”, người phụ nữ chia sẻ.
|
Mỗi ngày bé vào lớp, chị Phương ngồi bên cạnh vừa giúp con, vừa theo dõi các bài học của giáo viên để về tập thêm cho Kiệt.
|
Sau mỗi buổi học, 2 mẹ con tiếp tục vật lộn với những bài tập vận động dọc hành lang và cầu thang.
|
Chị Phương tâm sự: “Cả ngày khom người giữ thăng bằng cho con, tối về đau như muốn gãy lưng nhưng thấy cháu tiến bộ từng ngày, tôi cũng được an ủi phần nào”.
|
Từ một cậu bé trước đây nằm liệt giường, hiện Kiệt đã tự đứng, tựa mình vào tường, chập chững những bước đi đầu tiên…
|
… và em có thể líu lo những bài hát được mẹ dạy.
|
“Ai làm cha, mẹ đều mong muốn con được lành lặn, nhưng số phận không may nên tôi phải chịu”, chị Phương vừa tắm cho bé vừa nói.
|
Bất chấp nắng, mưa, khỏe hay ốm đau, chị không bỏ sót một buổi học nào của con. Ngoài Kiệt, chị Phương còn có đứa con trai út.
|
Từ ngày phải theo con đi học, mọi công việc của chị đành gác lại. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” dồn lên đôi vai người chồng đang làm thuê ở Bình Phước.
|
Phút vui vẻ của 2 mẹ con chị Phương khi đi qua phà ở Long An trở về nhà sau một ngày dài vất vả. Trong một năm qua, 2 mẹ con chị đã đi quãng đường gần 60.000 km.
|
Căn nhà nhỏ, nơi tá túc của 3 mẹ con chị Phương cùng mẹ chồng. Dù gia cảnh không khá giả, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương.
|
Người mẹ trẻ ăn vội miếng cơm khi các con trai đã chìm vào giấc ngủ. Tình yêu và hy vọng là động lực để chị bước tiếp trên chặng đường khó khăn.
|