Ngày nay, khi đạo đức xã hội xuống dốc thì kết hôn rồi ly hôn là chuyện thường tình. Đó là bởi con người không còn coi trọng hôn ước và cũng không còn nguyện ý bên nhau đến đầu bạc răng long.

Vợ chồng là nhân duyên, đã có hôn ước thì không nên từ bỏ. Ảnh: Internet
Nhưng đối với người xưa, vợ chồng là duyên phận, do đó làm trái với hôn ước sẽ bị Trời trừng phạt, còn giữ trọn hôn thề thì sẽ được phúc báo.
Vào triều đại nhà Minh có một thư sinh họ Lý tên là Lý Xuân Phương. Gia cảnh nhà anh ta rất nghèo khó, bần hàn. Từ nhỏ, Lý Xuân Phương đã ham học nên hàng ngày đều đến trường làng bên để học.
Một hôm, có một người đàn ông nghèo khó đi đốn củi qua miếu thổ địa. Khi ngồi nghỉ bên miếu, bỗng nhiên ông lão nghe thấy một tiếng nói từ trong miếu vọng ra: “Hôm nay Lý trạng nguyên sẽ đi đến trường, hãy mau mau quét dọn sạch chỗ này!”
Ông lão vừa hoảng hốt sợ hãi, vừa thấy vô cùng kỳ lạ vì trong miếu có tiếng người mà không thấy người đâu. Ông bèn đi vào bên trong, nhìn trước nhìn sau mà vẫn không thấy bóng dáng người nào ở trong đó. Một lát sau, ông lão đành trở ra và lại ngồi xuống trước miếu để nghỉ.
Vừa ngồi xuống chưa được bao lâu, ông lão lại nghe thấy có tiếng nói vọng ra: “Lý tể tướng đến!”
Quả nhiên phía trước có người dẫn theo một đứa trẻ đi tới. Người này còn mang theo sách và đi vào trong miếu ngồi đọc.
Ông lão tiến về phía trước, hỏi thăm tên tuổi thì mới biết cậu bé họ Lý, tên là Xuân Phương. Ông lão giật mình, trong lòng bán tín bán nghi về những điều vừa nghe được ở trong miếu mà tình nguyện đem con gái gả cho cậu bé này.
Về sau này, quả nhiên Lý Xuân Phương thi đỗ tú tài. Lúc ấy có người khuyên Lý Xuân Phương nên tìm cách hủy bỏ hôn ước để tìm một thiên kim tiểu thư làm vợ cho xứng đôi. Nhưng Lý Xuân Phương một mực khước từ, hơn nữa còn ngay lập tức trở về cưới hỏi cô gái kia làm vợ.
Sau đó một vài năm, Lý Xuân Phương lại thi đỗ tiến sĩ, rồi được phong vị làm tể tướng. Hai vợ chồng họ chung sống hòa thuận, hạnh phúc cùng nhau đến già.
Không những thế, con cháu của Lý Xuân Phương sau này đều thi đỗ các khoa thi cử và có tên trên bảng vàng.
Những người già thời đó đều nói rằng, hết thảy những điều mà Lý Xuân Phương đạt được đều là phúc báo bởi họ Lý coi trọng lời hứa, không tham lam mà từ bỏ hôn ước với gia đình ông lão đốn củi.
Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng Lý Xuân Phương thật đúng là ngu ngốc nên mới lấy cô vợ ấy, khi mà giữa hai người mới chỉ có hôn ước chứ chưa chính thức kết hôn.
Người hiện đại không xem trọng hôn ước, cho rằng có hay không có hôn ước cũng không sao. Không có hôn ước thì hai người yêu nhau vẫn sẽ sống cùng nhau, còn như có hôn ước rồi, nhưng không yêu nhau thì sẽ chia tay. Không ai nợ ai, không cần suy nghĩ về cảm giác của đối phương như thế nào, càng không nói đến chuyện con cái, tình cảm khi về già.
Nhưng trong văn hóa truyền thống, việc giữ chữ “Tín” cũng chính là giữ đạo nghĩa, luân lý làm người. Phẩm hạnh này là điều mà Thần khen ngợi, tán thưởng. Bởi vậy, khi mà đạo đức xã hội vẫn còn được coi trọng, người ta đều coi trọng việc giữ chữ Tín, cho dù đó chỉ là một lời nói ra mà không có người chứng giám. Những câu như “một lời hứa đáng giá ngàn vàng” luôn được người dân khắc ghi trong lòng.

Theo Daikynguyenvn.com

Categorized in: