Tính toán so đo là trở ngại lớn nhất để thăng hoa nhân phẩm của một người, là một cơ chế phòng ngự hết sức tiêu cực của bản thân. Những người này thường tự tư, lạnh lùng, phong bế, cũng khiến cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn, ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một người sở dĩ sống vui vẻ, không phải vì anh ta có nhiều, mà là anh ta ít so đo.
Có một người đã rất may mắn khi tìm được một viên ngọc trai rất lớn và đẹp, nhưng anh ta không cảm thấy hài lòng vì có một chấm nhỏ màu đen trên viên ngọc trai.
Anh ta cho rằng nếu có thể loại bỏ được đốm nhỏ này, thì nhất định viên ngọc trai này sẽ trở thành bảo vật quý giá nhất trên đời. Thế là anh ta cầm con dao lên dùng sức cạo đi lớp ngoài của viên ngọc trai, nhưng đốm đen kia vẫn còn. Anh ta tiếp tục cạo đi một lớp nữa, đốm đen vẫn còn nguyên. Cứ như vậy một lớp rồi lại một lớp nữa, anh ta liên tục cạo, khi không còn thấy điểm đen kia nữa thì viên ngọc trai cũng không còn.
Nhà văn Jack Kerouac từng nói: “Những tâm hồn chân chính không bị trói buộc sẽ không đi so đo bất kể thứ gì, bởi vì sâu trong nội tâm họ có niềm kiêu hãnh giống như một quốc vương.”
Điều quan trọng nhất đối với chúng ta không phải là quan tâm đến thật – giả; được – mất; danh lợi, cao thấp; giàu nghèo, mà là làm thế nào để vui vẻ sống qua ngày và tìm ra được mục đích chân thực của cuộc sống.
Tâm nếu như so đo thì khắp nơi đều là oán giận; tâm nếu phóng khoáng thì lúc nào cũng là mùa xuân. Cho đi là cách khai thông tốt nhất, vì “cho” bao giờ cũng hạnh phúc hơn “nhận.”
Một người đàn ông đói khát trên sa mạc, khi sắp chết thì bỗng nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ đổ nát. Trong ngôi nhà có một cái máy hút nước và một cái ấm đựng đầy nước, miệng ấm bị bịt chặt bằng một cái nút gỗ. Gần đó có một tờ giấy ghi rằng: Trước tiên hãy đem nước trong ấm đổ vào máy hút nước rồi mới có thể lấy nước. nhưng trước khi rời đi hãy rót đầy lại ấm nước này.
Anh ta đứng trước một lựa chọn khó khăn, nếu đổ nước vào thiết bị hút mà không có nước chảy ra, thì chẳng phải sẽ lãng phí ấm nước cứu mạng này hay sao? Ngược lại nếu đem nước trong ấm này uống hết thì sẽ giữ được mạng của mình.
Sau khi đắn đo suy nghĩ, cuối cùng anh quyết tâm làm theo những gì ghi trên tờ giấy. Quả nhiên không phụ kỳ vọng, nước từ máy hút nước tuôn ra như suối, anh ta sảng khoái uống.
Nghỉ ngơi một lát, rồi anh đem cái ấm đến đổ đầy nước, nhét miệng ấm lại. Sau đó trên tờ giấy anh viết thêm 2 câu: “Xin tin tưởng ta, những điều viết trên giấy là thật. Chỉ khi bạn gác lại việc sống chết, và học cách cho đi thì mới có thể nếm được hương vị thơm ngọt của nước suối.”
Ý nghĩa của cuộc sống không phải là nhận, không phải là lấy, mà là phó xuất và cho đi. Khuôn mặt trìu mến và nụ cười dịu dàng ẩn trong sự trao đi, cũng giống như ngọn lửa trại mang đến cho mọi người sự ấm áp.
Người nghèo hỏi bậc trí giả: “Tôi vì sao nghèo như vậy?”
Trí giả trả lời: “Bởi vì ông không học được cách cho người khác”.
Người nghèo nói: “Tôi không có gì cả thì làm sao có thể cho người khác đây?”
Trí giả nói: “Một người không có gì cả, cũng có thể cho người khác bảy điều tốt!
“(1) Cho khuôn mặt, gặp việc gì cũng luôn vui vẻ, mỉm cười; (2) Cho lời nói, nói lời ca ngợi an ủi; (3) Cho trái tim, mở rộng tấm lòng, hòa ái với người khác; (4) Cho ánh mắt, dùng ánh mặt thiện cảm để nhìn người khác; (5) Cho cơ thể, lấy hành động để trợ giúp người khác; (6) Cho chỗ ngồi, khiêm tốn nhường chỗ cho người khác; (7) Cho phòng ốc, có tâm dung nạp người khác.”
Cuộc đời bởi vì phó xuất mà vui vẻ, hạnh phúc bởi vì chia sẻ mà nhân đôi.
Hạnh phúc cũng cần người chia sẻ, nếu không nội tâm sẽ giống như biển chết, dòng nước chỉ có vào chứ không có ra, cuối cùng hoàn toàn tĩnh mịch.
Đạt được là một loại thỏa mãn, cho đi là một loại hạnh phúc, chỉ có học cách cho đi thì bạn mới có thể thu được hạnh phúc. Chỉ khi biết cách phó xuất, thì mới có thể nhận được hồi báo.