Làm thế nào để nhìn thấu bản chất của một người, làm thế nào để phán đoán và đánh giá chính xác về một người nào đó? Nếu bạn đang đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm; thí ngọc yếu thiêu tam nhật mãn; biện tài tu đãi thất niên kỳ.”
Tức là: vẽ hổ thì vẽ được da hổ nhưng khó vẽ được xương hổ bên trong; biết người biết mặt, khó biết được lòng ra sao. Thử ngọc phải thiêu suốt 3 ngày mới biết ngọc quý hay không; nhận biết bản chất con người thì cần tới 7 năm.
Từ xưa tới nay, muốn nhìn rõ bản chất của một người vốn là chuyện chẳng hề dễ dàng vì ai cũng có quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau nên khó tránh khỏi sự phiến diện. Xem thêm: Cách nhìn người phiến diện khiến cuộc sống ngày càng nặng nề
Chính vì vậy mà nhiều người thậm chí tránh né khi phải đánh giá người khác.
Tuy nhiên, chỉ cần tập trung quan sát 4 điểm quan trọng này thì ít nhiều bạn cũng có thể nhìn ra được bản chất, gương mặt thật sự ẩn sau lớp mặt nạ bên ngoài của đối phương.
- Lựa chọn khi đối mặt với lợi ích
Bản tính của con người là đều muốn được hưởng lợi, chỉ có mức độ là khác nhau.
Khi đối mặt với lợi ích, nhiều người sẽ rũ bỏ lớp ngụy trang của mình để lộ ra bản chất thật sự. Do đó, đây chính là thời điểm tốt nhất để đưa ra các đánh giá nhằm nhìn rõ bản chất của một người.
Nếu như đối phương sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà không màng tới lương tâm, không nể tình thân, thậm chí vứt bỏ cả đạo nghĩa, gạt bỏ phẩm hạnh, thì người như vậy có ai còn dám đặt niềm tin nữa không?
Nếu như bên cạnh bạn có một người như vậy, tốt nhất nên tránh xa thật sớm! Nếu không, một khi xảy ra xung đột lợi ích với người đó, bạn nhất định sẽ là người thất vọng và chịu nhiều tổn thương.
Ngược lại, một người khi đứng trước lợi ích, vẫn giữ vững nguyên tắc, kiên định với đạo đức của bản thân, đặt luân lý tình người lên hàng đầu, người như vậy chắc chắn không phải là một kẻ tiểu nhân tính toán, coi lợi ích trên hết. Bởi đối phương chắc chắn có lựa chọn đáng tôn trọng trong mọi tình huống.
- Cách đối xử với người có địa vị thấp hơn
Để nhìn rõ bản chất của một người, hãy nhìn vào cách người đó đối xử với những người có địa vị thấp hơn mình.
Nếu một người không tỏ ra khúm núm với người trên, không kiêu ngạo với người đưới. Đây nhất định là biểu hiện của một người có phẩm hạnh tốt đẹp.
Còn nếu một người luôn xu nịnh, tâng bốc người trên; với người dưới thì khinh miệt, coi thường. Người như thế chắc chắn không phải là người có đạo đức tu dưỡng tốt. Người như vậy chúng ta tốt nhất không nên thân cận.
Người có giáo dưỡng, có đạo đức thì luôn tôn trọng với bất kỳ cá nhân nào, không bao giờ miệng nói một đằng, lòng nghĩ một nẻo. Dù có giao tiếp với người có địa vị thấp hơn mình cũng sẽ không tỏ ra kiêu ngạo, tự cao tự đại.
Phàm là những người có phẩm chất cao quý, họ sẽ không bao giờ khuất phục trước quyền uy mà vẫn giữ nguyên được khí phách.
Lý Bạch từng nói: “Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý, khiến ta chẳng được mặt mày tươi.” Đó quả thực là một tinh thần đáng trân trọng!
Nhìn chung, con người khi đối diện với những người có địa vị thấp kém hơn mình thường dễ nảy sinh cảm giác thấy bản thân mình vượt trội hơn.
Nhưng nếu như có thể buông bỏ cảm giác này, không tỏ ra mình lợi hại hơn đối phương, xem thường đối phương, thì ngược lại càng được tôn trọng hơn.
Người như vậy chắc hẳn luôn biết giữ chừng mực, có thiện ý, đáng tin cậy và đáng để kết bạn!
- Thái độ đối xử với cha mẹ
Chúng ta thường có thói quen thể hiện những mặt tốt ra bên ngoài với người lạ, còn những tính xấu thì thường bộc lộ trước mặt người thân quen. Đây là điều hết sức bình thường theo tâm lý học.
Vậy nên, một người có thể giữ được hàm dưỡng bằng cách đối xử ôn hòa, lễ độ với những người thân cận nhất, người đó nhất định là người có tu dưỡng vô cùng đáng khâm phục.
Trong “Luận ngữ” có đoạn rằng: Tử Hạ hỏi đức Khổng về đạo hiếu.
Đức Khổng Tử nói: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?”
Có nghĩa là: Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn… Như thế chắc gì đã là có hiếu?
Câu này muốn nhắc nhở chúng ta rầng: Khi chăm sóc, đối xử với cha mẹ, quan trọng nhất là thái độ, khó nhất cũng là thái độ. Phận làm con nhất định phải luôn chú ý tu dưỡng về mặt thái độ. Nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì thành công cũng bỏ đi.
Cho nên, dù người bên cạnh thân mật đến mức độ nào, chúng ta cũng nên cố gắng giữ được thái độ hòa nhã, chứ không thể muốn làm gì thì làm.
Còn đối với người thân thiết, nói chuyện giữ được hòa khí, không nóng nảy không kiêu căng, khiêm tốn lễ độ, đó đều là những người có giáo dục, có giáo dưỡng, có trách nhiệm. Trong cuộc sống, những người như thế nhất định sẽ được người khác yêu mến, tin tưởng.
- Khi đối diện với việc thực hiện lời hứa
Một cá nhân khi phải đối diện với lời hứa sẽ dễ bộc lộ phẩm chất của mình. Đó cũng là một cách để có thể nhìn rõ bản chất của một người.
Người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng, quốc gia không giữ chữ tín thì không sao hùng mạnh được. Cổ nhân coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh quan trọng nhất để làm người.
Tuân Tử nói: “Thành tín là điều mà người quân tử cần phải tuân giữ, cũng là nền tảng của việc nước nhà”.
Người quân tử rất coi trọng lời hứa, một lời nói ra đáng giá ngàn vàng. Với những chuyện đã hứa, họ nhất định sẽ không bao giờ thất hứa. Người như vậy rất đáng tin cậy.
Còn với những ai không thể giữ được lời hứa của mình, luôn dễ dàng lật lọng, đổi ý thì có thể suy ra trong cuộc sống họ cũng sẽ dễ trở mặt trong những tình huống khác và không đáng tin cậy.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kì hà dĩ hành chi tai?”
Nghĩa là: Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?
Người không giữ lời hứa, dễ dàng làm trái lời cam kết mình đã nói thì cũng giống như một chiếc xe không có bánh, chẳng thể đi cũng chẳng để đứng.
Nếu như không có thành tín, bất kể việc gì cũng không thể làm được tốt. Quan hệ qua lại giữa người với người, quan trọng nhất là phải thành tín. Lời đã hứa thì nhất định phải làm, việc đã làm thì nhất định phải kiên quyết, dứt khoát.
Thành tín thuộc về phạm trù đạo đức, không có trọng lượng, cũng không có giá cả nhưng có thể khiến một người hoặc được tôn kính, hoặc thân bại danh liệt.
Bởi vậy, giữ chữ tín là đạo đức cơ bản nhất mà ai cũng cần giữ được.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc đánh giá một người không thể tránh khỏi ý kiến phiến diện, bởi có thể ta không ở vào trường hợp của đối phương thì sẽ không thể hiểu hết về họ.
Những yếu tố trên chỉ là một phương diện để đánh giá một người, nhưng không thể phản ánh tất cả diện mạo cũng như tư chất của họ. Bởi chính những nhân tố nhỏ bên trong mới phản ánh thiết thực nhất bản chất của một người.
Nguồn: LICHNGAYTOT