Tránh xa tật xấu, dưỡng thành thói tốt luôn là yếu tố căn bản dẫn con người đến thành công, thăng hoa. Điều đó vốn không khó, chỉ cần bạn kiên trì, chướng ngại nào cũng thành bé nhỏ. Dưới đây là 10 thói quen tốt ai cũng nên luyện tập mỗi ngày.
Bạn đã bao giờ băn khoăn tự hỏi liệu trong mắt người khác mình có được nhìn nhận như một người tốt hay chưa? Ngày nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều ví dụ về những người mang trên mình đủ thói hư, tật xấu trong xã hội. Bạn có muốn tránh xa những tật xấu đó và hình thành một nhân cách tốt đẹp không?
1. Hãy tập thói quen đúng giờ
Một trong những điểm chung mà bất kì người thành đạt nào cũng có, đó là việc họ coi thời gian như một tài nguyên quý giá. Khi bạn lỡ cuộc hẹn với những đối tác biết coi trọng thời gian, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất đi tài sản của họ và của chính mình.
Vậy thì rất nhiều khả năng bạn sẽ bị nhìn nhận là một người thô lỗ và vô trách nhiệm. Hãy cố gắng hết sức để có thể luôn có mặt đúng giờ trong mọi sự kiện. Biết cách trân trọng thời gian của bạn bè và bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ phía họ. Đúng giờ cũng khiến bạn trở thành một người giữ chữ tín trong mắt đối tác, đồng nghiệp. Mà đi khắp thế gian, người giữ chữ tín vẫn là người đáng trọng nhất.
2. Biết phép lịch sự
Giữ lịch sự nghĩa là hiểu và tôn trọng cảm xúc của những người xung quanh. Có thể người khác không thường nhận ra cử chỉ lịch thiệp của bạn, nhưng những hành động lỗ mãng thì luôn bị soi xét, để ý. Đó là liều thuốc độc, đầu độc những mối quan hệ của bạn.
Người lịch sự cũng sẽ không bao giờ ngắt lời người khác, thay vào đó là biết cách lắng nghe và kiên nhẫn chờ đợi. Người lịch sự chính là luôn luôn “nghĩ cho người trước, nghĩ đến mình sau”. Họ không tranh đoạt lợi ích cá nhân, không tranh đấu vì chút chuyện nhỏ, bỏ ngoài tai lời ong tiếng ve, trong tâm ôm giữ một thái độ bình hoà, thanh thản.
3. Giữ tập trung mọi lúc
Bạn nên luôn giữ tập trung và để ý xem mọi người đang nói gì, kể cả khi bạn không có hứng thú với chủ đề đang được đề cập đến. Hãy bỏ điện thoại ra và cố gắng tập giao tiếp bằng mắt với đối tác. Đó cũng là một phép lịch sự tối thiểu khi trò chuyện.
Sự tập trung sẽ giúp bạn dễ thành công hơn trong cuộc đời. Chẳng phải có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” (một nghề thành thạo, một đời vinh hiển) đó sao? Người Việt cũng hay nói: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” cùng là có ý như vậy. Tập trung bao giờ cũng tốt hơn phân tán.
4. Lòng trung thực
Trung thực là biết cư xử thành thật và thẳng thắn, từ lời nói đến hành vi không bao gồm bất kì sự giả dối, lừa lọc nào. Đức tính này có thể thấy được qua cách bạn tiếp xúc với người khác ra sao.
Tuy nhiên, trước hết, bạn cần phải biết cách thành thật với chính mình. Học cách chấp nhận những ý nghĩ và cảm xúc của chính mình sẽ giúp bạn trở thành một con người trung thực hơn trong cuộc sống.
5. Học cách tôn trọng
Mỗi một cá nhân đều là kết quả của những nền tảng giáo dục khác nhau. Những kiến thức, kinh nghiệm khác nhau được tích lũy được qua bao năm tháng cũng sẽ ảnh hưởng đến tính cách của họ. Vì vậy, việc có những bất đồng quan điểm là hoàn toàn tự nhiên.
Khi học được cách tôn trọng suy nghĩ của người khác, biết bao dung ngay cả những người khác biệt mình, bạn sẽ thấu hiểu được con người, cũng thấu hiểu được chính mình. Ngoài ra, tôn trọng người khác cũng là cánh cửa giúp bạn đến với nhiều cơ hội mới.
6. Không tự cao, tự đại
Những người có tính khoe mẽ thường nghĩ rằng điều đó sẽ giúp hình ảnh của họ tốt đẹp hơn trong mắt người khác. Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại.
Người ta có tính tự cao, tự đại là vì không thể nhìn ra điểm tốt của người khác, cho rằng ai cũng không bằng mình, chính là không thấu hiểu người khác. Khi là người quá đề cao bản thân, dù là trên mạng xã hội hay là ngoài đời thực, bạn cũng sẽ thường vô tâm và đánh giá thấp những người quanh mình.
Điều này sẽ khiến bạn tự cô lập bản thân, ngày càng rời xa các mối quan hệ, tự khép mình trong “tháp ngà” tự kiêu của mình. Hãy tưởng tượng xem khi ấy bạn sẽ trở thành người ra sao? Cô lập, tự tách rời khỏi xã hội, bạn sẽ bỏ qua những cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp tốt đẹp nhất.
7. Giữ chữ tín
Khi bạn hứa hẹn chuyện gì đó với người khác, chính là bạn đã gieo vào trong họ một kỳ vọng và mong tưởng. Nếu không giữ chữ tín, bạn sẽ làm họ thất vọng, nhẹ thì buồn bã, nặng thì có thể quay sang oán trách chính bạn.
Do vậy, khả năng giữ chữ tín ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và độ tin cậy của bạn. Chữ tín cũng giúp bạn có được sự bình yên trong tâm hồn. Đạo đức định nghĩa nên một cá nhân, và chữ tín là một phần quan trọng của đạo đức.
8. Quan tâm đến người khác
Một người tốt chính là luôn quan tâm, lo lắng cho người khác. Họ rất nhạy cảm khi nghe đến những khó khăn của người xung quanh, và sẽ sẵn sàng làm hết sức để giúp đỡ.
Quan tâm tới những người khốn khó là một trách nhiệm hết sức cần thiết của toàn thể xã hội, và trên hết, giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp đỡ chính mình.
9. Hào phóng
Khoa học đã chứng minh rằng những người có tính phóng khoáng thường hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, và hài lòng với cuộc sống của mình hơn những người chỉ biết nhận mà không hề cho đi.
Sự hào phóng khiến bạn cảm thấy mình đang là một con người có ích, sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng để thay đổi thế giới, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
10. Lòng cảm thông
Sự cảm thông là khả năng trải nghiệm một phần nỗi đau mà người khác đang phải gánh chịu. Có thể bạn sẽ không hoàn toàn cảm nhận được nỗi đau ấy, tuy vậy ít nhất bạn cũng hiểu được rằng họ đang cảm thấy như thế nào.
Để cảm thông cho người khác cần một sự can đảm, tuy nhiên, khi bạn đang đau buồn mà nhận được tình thương của người khác, bạn sẽ hiểu rằng đó là món quà vô giá đến nhường nào.
***
Người ta nói đời người trôi qua như ánh chớp giữa đêm giông, thoáng chốc là xuôi tay nhắm mắt. Kiếp sống này chẳng qua chỉ là nơi quán trọ trần gian, công danh, lợi lộc chỉ là hư ảo, chỉ có phúc đức tích được mới là dài lâu.
Con người bây giờ đều cho rằng việc làm người tốt đã trở thành một khái niệm không hợp mốt, cổ hủ, chỉ có danh lợi, sự nghiệp, tiền tài, mỹ nữ mới là điều đáng quan tâm, phấn đấu.
Thế nhưng người ta không hiểu rằng cái gốc của tất cả tiền tài, vật chất, lợi danh ấy lại xuất ra từ nội tâm con người. Làm người tốt, hành hiệp trượng nghĩa, sống hướng thiện thì người ta nhận được phúc báo, phúc báo ấy có thể là tiền tài, là thăng quan tiến chức, cũng có thể là cơ duyên tu luyện, đắc được Phật Pháp, tu xuất khỏi khổ đau trần ai, giải thoát khỏi luân hồi.
Nguồn: DKN.TV