Đời người chính là một hành trình liên tục chọn lựa, chọn lựa. Chọn đúng thì đời nở hoa, chọn sai thì đời tăm tối. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng đủ sáng suốt để đưa ra những lựa chọn thực sự khôn ngoan.
Tâm rộng thì ắt là dung chứa được nhiều vẻ đẹp của cuộc đời, tìm được niềm vui sống trong những phút tưởng như u ám nhất. Tâm tĩnh thì có thể nghe được thanh âm của vạn vật, cảm thấu được đất trời.
Tức giận chẳng qua vì chưa đủ độ lượng, khoan dung. Ưu phiền chẳng qua vì chưa đủ cởi mở. Học cách kiên cường thì lòng bớt đau thương. Học cách bình tĩnh, thong dong thì không còn lo toan, phiền não.
Chịu thiệt một chút, nhường lời một chút thì đã sao? Cớ chi tranh hơn nhau khẩu khí, tranh tranh đấu đấu hoài không buông, thân cũng mệt mà tâm cũng mệt. Nước sâu không lời, người vững không nói.
Hãy học cách làm nguội cơn nóng giận. Gốc rễ của mọi buồn phiền đều xuất phát từ chính bản thân. Nhìn vào trong tâm để tìm ra thiếu sót thì ắt là tìm được hạnh phúc, an yên.
Cuộc đời, rốt cuộc cũng giống như một canh bạc, thành bại đều ở tại chính mình. Dù chọn lựa thế nào, bạn cũng không thể đảo ngược thời gian, cơ hội đã ra đi đều không trở lại. Chuyện hôm qua đúng là như nước chảy về Đông vậy. Muốn có một sự lựa chọn khôn ngoan xin bạn hãy nhớ kỹ những chữ này.
1. Tĩnh
Người giữ được tĩnh khí thì mới có thể làm việc lớn, đó là điều chắc chắn. Hãy nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn. Nói nhiều thì dễ thất thố, khó giữ được tâm an định. Tĩnh cũng là một trình độ của người có trí huệ. Tâm tĩnh thì mọi sự ắt sẽ bình yên. Tâm động thì vạn sự đều khó. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“, muốn cải biến ngoại cảnh thì trước hết hãy an định cái tâm của mình trước.
2. Bình
Là bình thản, đơn giản, cân bằng. Sự bình thản đôi khi còn có sức mạnh hơn cả đao kiếm. Nếu có thể đối diện với muôn trùng khó khăn bằng tâm thái bình thản, ung dung thì chẳng điều gì có thể làm tổn thương bạn nữa. Giữ lấy chữ “Bình” cũng là tìm được sự cân bằng trong tâm, gặp việc buồn cũng không phiền não, có chuyện vui cũng chẳng quá hoan hỉ, cao hứng. Điều đó giữ được thật khó.
3. Nhẫn
Nhẫn không phải là nhu nhược, yếu hèn. Nhẫn là biểu hiện của ý chí kiên cường mà chỉ người quân tử, trượng phu mới có được. Khi đối diện với chuyện bất bình, với mất mát lợi ích, nếu không nhẫn được vững vàng thì hao tâm tổn lực, thân thể cũng chẳng được thoải mái.
Từ xưa, những câu chuyện vì nhẫn mà làm thành đại nghiệp quả là nhiều không kể xiết. Hàn Tín chịu nhục chui háng, sau trở thành Đại tướng quân phò Hán diệt Sở, khai quốc công thần của Lưu Bang. Lưu Bị chịu nhẫn trồng rau, bón phân ở cạnh phủ Tào Tháo mà sau xưng hùng xưng bá, chia 3 thiên hạ. Người có khả năng dung nhẫn thì như núi lửa ẩn mình dưới lớp đất đá sâu nghìn mét, chỉ đợi thời cơ là bùng nổ.
Biển rộng lớn là vì biết dung nạp trăm sông, núi cao vòi vọi chính là không chê đất bồi. Người sáng suốt thì biết thu nạp hiền tài, từ bi, độ lượng với tất cả, không mang bụng hẹp hòi ắt sẽ có ngày thành công quả.
4. Nhượng
Nhường nhịn, nhượng bộ, tôn trọng đối phương thì không lo thiên hạ thị phi, oán trách. Cổ nhân nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Người quân tử không đấu khẩu, đấu sức mà chủ động nhẫn nhịn, nhường lại ưu thế, tiện nghi cho người khác, chỉ giữ lấy khí chất, đức độ cho mình.
Nhượng bộ không phải là ba phải, càng không phải là thỏa hiệp. Nhượng bộ chính là tôn trọng đối phương, nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn, không bảo thủ, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác. Người biết nhượng bộ đúng lúc sẽ như dòng sông lớn thu nạp nước từ muôn suối, muôn khe, sẽ có ngày tung hoành thiên hạ bốn phương.
5. Đạm
Chính là điềm đạm, bình tĩnh, gặp việc khó không thối chí, gặp việc vui cũng không quá cao hứng. Đạm cũng là xem tất cả mọi thứ nhẹ nhàng. Bạc tiền có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Tiếng tăm có được một chút thì thơm danh, nếu không thì cũng cứ vui với thú điền viên ngày tháng. Dòng đời có thể biến hóa vạn trạng muôn hình nhưng cái chí của người quân tử thì chẳng bao giờ đổi dời vậy.
Đối với được mất trong đời, nếu có thể giữ cho mình được sự thản nhiên thì chính là đã vươn tới được cảnh giới rất cao vậy. Kỳ thực, được và mất là thứ không cố định chút nào. Hôm nay bạn được, ngày mai có thể sẽ mất, được thứ này lại mất thứ kia. Bạn thử nghĩ mà xem, ở đời có ai là luôn được, có ai là toàn mất?
Ông Trời vốn rất công bằng, đều an bài mọi chuyện theo duyên nợ. Vậy thì cớ gì bạn không thể xem nhẹ những mối ràng buộc trong tâm mình một chút? Có thể “đạm” bao nhiêu thì lòng nhẹ bấy nhiêu, có thể xem nhẹ bao nhiêu thì được sống thanh thản bấy nhiêu vậy.
Nguồn: DKN.TV