Nguồn gốc của hiện tượng chớp mắt vẫn còn là điều bí ẩn đối với khoa học.

Chớp mắt, một phản xạ tự nhiên của cơ thể, rất quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của mắt. Nó phục vụ nhiều mục đích như giữ cho đôi mắt sạch sẽ, bảo vệ chúng và thậm chí truyền đạt các tín hiệu phi ngôn ngữ. Tuy nhiên, nguồn gốc của hiện tượng chớp mắt vẫn còn là điều bí ẩn.

Để làm sáng tỏ chủ đề này, một nhóm các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Georgia, Đại học Seton Hill và Đại học Bang Pennsylvania đã tiến hành nghiên cứu về cá thòi lòi, nhằm mục đích tìm hiểu tại sao chớp mắt lại là một hành vi cơ bản đối với sự sống trên cạn.

Cá thòi lòi: Loài cá kỳ dị nhất hành tinh

Cá thòi lòi (Mudhopper) được Tổ chức Sinh vật thế giới xếp vào 1 trong 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh”, bao gồm: cá cóc, chó chăn cừu hung, heo vòi, thỏ Angora, khỉ hoàng đế, và cá thòi lòi.

Đặc điểm kỳ lạ nhất khiến cá thòi lòi không giống bất cứ loài cá nào là nó sinh sống được ở vùng nước mặn, nước lợ, và cả trên cạn.

Chúng thậm chí có khả năng “leo trèo” trên cây và từ cành này có thể nhảy sang cành khác một cách rất điêu luyện. Đó là nhờ đôi vây trước của cá làm nhiệm vụ của một đôi tay.

Chúng có thể được tìm thấy khá phổ biến tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở vùng nhiệt đới, trải dài từ Seychelles, Ấn Độ, Bangladesh, sang Australia, bao gồm cả Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Để sinh sống được trong điều kiện đa dạng, cá thòi lòi đã thích nghi theo một cách vô cùng độc đáo. Đó là chúng có thể chớp mắt để giữ cho mắt không bị khô. Đây là đặc điểm rất hiếm gặp ở các loài sinh vật sống chủ yếu dưới nước.

Bằng cách so sánh giải phẫu và hành vi của cá thòi lòi với những động vật 4 chân thời kỳ đầu, các nhà khoa học nhận thấy ở cả hai nhóm một quá trình thích nghi với cuộc sống trên cạn khá rõ ràng.

“Kết quả từ nghiên cứu này đặt ra một loạt câu hỏi mới về sự đa dạng của hành vi chớp mắt mà chúng ta quan sát thấy ở các loài sinh vật”, Tom Stewart, một tác giả của nghiên cứu cho biết.

Bí ẩn từ cái chớp mắt

Khác với đa số những loài động vật có xương sống, cá thòi lòi không có mí mắt, nên chúng chớp mắt bằng cách di chuyển con ngươi xuống vị trí của hốc mắt.

Tuy nhiên, hành vi này không đòi hỏi sự tiến hóa của nhiều bộ phận trên cơ thể cá, như cơ bắp hay các tuyến đặc biệt. Thay vào đó, cá thòi lòi sử dụng bộ cơ mắt hiện có của chúng, nhưng theo một cách mới.

Trong một loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cá thòi lòi chớp mắt vì 3 chức năng chính, bao gồm: làm ướt, làm sạch và bảo vệ mắt. Điều thú vị là những chức năng này cũng tương đồng với lý do tại sao con người và các động vật có xương sống trên cạn khác chớp mắt.

Theo các nhà nghiên cứu, hành vi đơn lẻ này ở cá thòi lòi giúp chúng đáp ứng ít nhất 3 chức năng phức tạp, và nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng cho những chuyển đổi mang tính lịch sử của quá trình tiến hóa ở loài động vật có xương sống, chẳng hạn như di chuyển từ nước lên cạn.

“Tất cả chúng ta đều chớp mắt mỗi ngày mà không cần suy nghĩ. Thế nhưng, việc tìm hiểu tại sao chúng ta chớp mắt lại là một câu đố thú vị ở ngay trước mắt chúng ta”, Stewart đánh giá.

“Hiện tượng chớp mắt dường như phản ánh một câu hỏi lớn hơn”, Simon Sponberg, Phó Giáo sư tại Trường Vật lý và Khoa học Sinh học, cho biết. “Điều thú vị là sự tiến hóa có thể sửa đổi các cấu trúc đã có sẵn, cho phép chúng được sử dụng theo một cách mới và cho một hành vi mới”.

Nghiên cứu được cộng đồng khoa học đánh giá cao, vì mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về sự tiến hóa.

Nguồn: KHOAHOCTV

Categorized in: