Bạn ghét một người nào đó, sau đó bạn thầm nguyền rủa anh ta ở trong lòng, vậy ai là người luôn phải nghe lời nguyền rủa đó? Khi bạn cứ nghĩ về những thương tích của đối phương, vậy ai đang chịu sự giày vò? Ai đang tức giận và chán nản? Ai không thể bình tĩnh? Ai không ngủ ngon được? Chính là bản thân bạn đó thôi.
Chính sự tức giận, buồn, ghét còn khiến bạn tổn thương nhiều hơn là đối tượng bạn ghét
Bạn cảm thấy bất bình: “Chẳng lẽ tôi phải buông tha anh ta dễ dàng vậy sao?” “Bạn không hiểu được những gì anh ta đã làm với tôi đâu”. “Tôi ghét người đó vô cùng, thật sự là anh ta rất quá đáng”. “Anh ta làm tổn thương tôi nhiều lắm, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta”.
Tha thứ thật không dễ dàng gì, đặc biệt là tha thứ cho một người đã làm bạn tổn thương quá nhiều thì lại càng khó hơn nữa. Nhưng khi bạn không sẵn lòng tha thứ cho người khác, cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương đến chính bạn mà thôi, người chịu đau khổ cũng là bản thân mình.
Hãy nghĩ thử xem, khi bạn cầm bùn để ném ai đó, thì tay ai sẽ dính bẩn trước đây? Bạn muốn vác đá lên để ném người khác, nhưng ai là người luôn phải vác đá? Chính là bạn đấy. Phải không?
Nếu tiếp tục căm ghét một người, cũng không khác gì việc tiếp tục bị giam trong ngục tù…
“Nếu tha thứ cho ai đó, tức là đang cho họ biết rằng, họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn”, đấy là quan điểm chung của rất nhiều người. Một số người sẽ hỏi: “Tại sao không để cho những kẻ làm tổn thương người khác bị báo ứng?”
Tha thứ cho người làm sai, không có nghĩa là những gì anh ta đã làm với bạn trong quá khứ chưa từng xảy ra, hay là những điều anh ta đã làm là có thể chấp nhận được; điều đó cũng không có nghĩa là bạn phải làm hòa với đối phương. Tha thứ là vì chính bản thân bạn, để lấy lại tương lai của chính bạn, để mang lại sự yên bình cho trái tim, và cũng là để cho chính mình có thể bắt đầu một cuộc sống mới.
Mọi người đều biết cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela (1918-2013), người đã ở tù oan 27 năm vì đã chống lại chính sách phân biệt chủng tộc, dù vậy, khi ông lấy lại được tự do, ông đã quyết định từ bỏ hận thù. Tại sao lại như vậy?
Trong cuốn tự truyện của bà Hillary Clinton, có ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai người. Clinton từng hỏi Mandela: “Tôi nghĩ rằng tại lễ nhậm chức tổng thống có thể mời các quan cai ngục giam giữ tổng thống đến đây là một việc trọng đại, nhưng ngài thực sự không oán giận họ sao?”.
Mandela trả lời: “Tôi đã từng oán giận họ trong nhiều năm tháng dài dằng dặc. Tuy nhiên, đến một ngày nọ, khi tôi đập đá tại mỏ đá thì đã nhận ra rằng họ đã lấy đi mọi thứ nhưng trừ tinh thần và linh hồn của tôi, vì vậy tôi đã quyết định tuyệt đối sẽ không để bọn họ lấy đi những thứ mà tôi còn sót lại đó”.
Clinton lại hỏi: “Cuối cùng khi ngài rời khỏi nhà tù, trong lòng cũng không còn hận thù nữa sao?”.
“Tất nhiên là có, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng, họ đã giam cầm tôi trong 27 năm rồi, nếu như tôi căm ghét họ, thì có khác gì mình vẫn tiếp tục bị giam ở trong tù đâu. Tôi muốn tự do, cho nên tôi đã buông bỏ hết”.
Điều quan trọng không phải là “trả đũa”, mà là “làm cho bản thân sống tốt hơn”…
Tha thứ, không phải là buông tha cho người khác, mà là buông tha cho chính mình. Không phải là để trở thành một vị thánh, mà là để có thể làm một người tự do, mới quyết định không cho phép người khác kiểm soát cuộc sống của mình, không còn bị ràng buộc với người phạm sai lầm kia.
Người mà trong lòng luôn mang hận thù, luôn mong muốn trả đũa hiếm khi có thể bình tĩnh để suy nghĩ. Nếu bạn có thể quên đi những tổn thương mà người khác đã gây ra cho mình, thì những tổn thương đó sẽ còn lại bao nhiêu? Nếu như không còn oán giận nữa, thì sự đau khổ của bạn sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu?
Hãy nghĩ tiếp xem, nếu như bạn đau buồn đến nỗi không muốn sống, thì ai sẽ đau khổ? Chính là bản thân bạn và những người quan tâm đến bạn thôi. Nếu bạn trở thành như thế, thì ai sẽ thấy vui đây? Những người ghét bạn sẽ thấy vui nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao nói rằng “cách trả thù tốt nhất chính là làm cho bản thân mình sống tốt hơn”.
Có một nhà thiết kế trang sức với khí chất tao nhã thanh lịch từng lên truyền hình, kể về câu chuyện quá khứ của mình. Khi cô phát hiện ra người chồng cũ của mình ngoại tình, mỗi ngày cô đều trốn ở nhà và khóc, cuộc sống của cô trôi qua rất bi thảm.
Cho đến một ngày, cô nằm trên giường và suy nghĩ, bây giờ chỉ có hai con đường, một là cứ nhảy thẳng từ tầng 13 của ngôi nhà xuống, sau đó tất cả sẽ tan biến hết; hai là phải sống tốt hơn hiện tại, để trả thù người chồng cũ.
Cuối cùng, cô đã chọn con đường thứ hai. Thế là cô đã sống và làm việc thật chăm chỉ, rồi trở thành một nhà thiết kế trang sức, bây giờ sự nghiệp của cô rất thành công, hơn nữa cô còn sống rất mãn nguyện hạnh phúc.
Vấn đề không phải là “trả đũa”, mà là “làm cho bản thân sống tốt hơn”. Điều này rất đúng! Rất nhiều người không thể tha thứ cho sai phạm của người khác, nhưng chính bản thân họ cũng đã phạm sai lầm. Thật ra thì mọi sự dung thứ, đều là dung thứ đối với bản thân, là tha thứ cho bản thân đã nhìn nhầm ai đó, đã làm sai điều gì đó, và tha thứ cho sự tự trách, hối hận và tội lỗi của bản thân mình.
Hãy thử lùi lại một bước, chúng ta sẽ thấy rằng đối phương và chúng ta cũng như nhau cả, đều là những con người bình thường, sẽ có lúc phạm sai lầm, bốc đồng, đôi khi cũng yếu đuối, hay nóng nảy, đôi khi lại mất đi kiên nhẫn, có lúc thì bối rối mơ hồ… Khi bạn thấy bản thân mình cũng từng phạm phải những sai lầm, thì cũng sẽ thấy tha thứ dễ dàng hơn nhiều.
Chừa cho người khác một lối đi, cũng là giúp cho con đường của chính mình trở nên rộng rãi hơn. Bởi vì biết đâu chừng một ngày nào đó, bạn cũng cần người khác tha thứ cho mình.