Biến cố và thăng trầm, nỗi buồn và niềm vui là những điều đã nuôi tôi khôn lớn. Thiết nghĩ, nếu tôi nhận ra sớm hơn thì mọi chuyện đã tốt hơn hẳn.
Phải mất nửa đời người ta mới có thể học được những điều này. Ảnh: Internet |
1. Tôi đã học được rằng, bình yên nhất không phải khi nằm trong vòng tay người yêu dấu mà là ngay trong bữa cơm của gia đình
Dù muốn dù không thì vẫn có 1 sự thật ta không thể chối từ là cha mẹ rồi cũng sẽ qua đời. Ta có quá nhiều thời gian để chăm chút cho bản thân, nhưng khi ta khôn lớn, ta sẽ dành được bao nhiêu trong quỹ thời gian ấy để dành cho ba mẹ. Họ sinh ra ta khi họ đã đi qua nửa phần đời tức là họ sẽ mất đi khi ta còn nửa phần đời phải sống ở lại. Khi đó ta có vô khối thời gian mà yêu thương, vậy mà bây giờ, ta dành buổi sáng cafe đàn đúm, dành buổi trưa cho giấc ngủ, buổi chiều cho công việc và buổi tối cho người yêu, bạn bè.
Chẳng mấy ai trong số chúng ta muốn chở mẹ đi dạo, muốn rủ bố đi làm tách cafe hay đơn giản chỉ là mời ba mẹ một bữa ăn sáng đầm ấm. Ta chỉ về và ta ăn cơm gia đình như một phận sự, như 1 nhu cầu ” đói phải ăn” và bữa cơm gia đình trở thành “thói quen” chứ không còn hiện hữu giá trị của hai chữ “yêu thương”.
2. Tôi đã học được rằng, tận cùng của ngu dốt là đối tốt với quá nhiều người
Có đôi khi bài học về sự cho và nhận khiến ta nghĩ rằng, cuộc sống công bằng, có cho sẽ có nhận, hoặc đôi khi cho đi cũng chính là cách mua về cho mình một món quà của sự thanh thản. Nhưng thực tế không vậy, cho đi nhiều và cái nhận lại được đôi khi chỉ là những cái phủi tay đầy bạc bẽo, những cái nhìn sáo rỗng và cả những lời nói như gươm đao.
Cái bạn cho đi của hôm nay có thể là món quà của hiện tại nhưng tương lai nó có thể trở thành thứ để người đời mang ra làm tấm bia cho sự giả tạo và cho rằng nó là cái vỏ bọc cho những đê tiện của bạn khi bạn vô tình mắc lỗi.
3. Tôi đã học được rằng, 3 từ khó nói nhất không phải là “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” mà là “Con yêu bố mẹ”
Như một thói quen, sáng dậy, quờ qua điện thoại để kịp chúc ai đó một buổi sáng tốt lành, kèm theo là một cái icon tươi rói. Trong ngày có chuyện gì vui lại lập tức rút điện thoại ra nhắn cho ai đó và mỉm cười khi niềm vui được chia sẻ. Tối lại chúc ai đó ngủ ngon và không quên kèm theo lời yêu thương da diết.
Vậy đấy, cái tình yêu nó dễ thổ lộ. Còn mấy ai bước qua một cô lao động mồ hôi nhễ nhại mà nhớ về cha mẹ đang còng lưng kiếm tiền, mấy ai bước qua một không gian quen thuộc mà trong lòng chợt nhớ bóng mẹ hiền. Có chứ, sẽ có những người như vậy, nhưng chẳng có mấy ai ngay lúc ấy gọi điện hay nhắn tin chỉ để nói “con nhớ mẹ, con yêu ba hay con đang nghĩ về gia đình mình”. Trớ trêu thật!
4. Tôi đã học được rằng, hãy đi đi cho thỏa sức, vui đi cho thỏa đời, cười đi cho thỏa người rồi lặng lẽ cảm nhận cuộc sống qua hai chữ “bình yên”
Sống vui vẻ – Chơi hết mình – Yêu hết lòng – Đi hết sức – Lao động hết khả năng – Và bình tâm nhìn cuộc sống. Hãy bất biến giữa dòng đời vạn biến và cách đối phó tốt nhất với bụi đời là quay về với gia đình – nơi có thể cho ta sự bình yên vững chắc nhất và cũng là nơi mà dẫu thế giới thay đổi thì tình yêu bắt nguồn từ đó cũng mãi không đổi thay.
5. Tôi đã học được rằng, bình yên không phải nơi không có tiếng ồn mà là chốn đầy xô bồ, nhớp nhúa nhưng trong tâm ta tĩnh lặng
Đã có một thời tôi từng nghĩ, chắc sẽ chẳng có điểm kết cho một cuộc sống phiêu lưu, lang bạt đầy thích thú và tự do. Tôi yêu cuộc sống của mình, dẫu cho nó có bấp bênh hay túng thiếu thì đó vẫn là thứ tôi yêu. Tôi có mặt ở những nơi bạn tôi cần, tôi đi đến những nơi tôi muốn, tôi ghé qua những chốn tôi thích và cứ như vậy, xách ba lô lên và thỏa nguyện với rất nhiều thích thú.
Nhưng bỗng một ngày tôi nhận ra, bước chân ra khỏi nhà thì có ở đâu ta cũng là khách trọ, anh em bạn hữu có thân tình thì cũng là người lạ chợt đến rồi chợt đi mà ta sẽ mãi mãi chẳng bao giờ tìm kiếm được hai chữ ” bình yên ” trong những cuộc chơi đầy ấp tiếng cười đó.
Cuộc vui nào cũng tan, sum họp nào rồi cũng tàn và chỉ có hai chữ ” gia đình ” là giá trị vĩnh hằng duy nhất còn tồn lại trong ta.
Nguồn: Khỏe và Đẹp