Tự bản thân phải trở thành người đáng để người khác kết giao, bạn mới có thể kết giao được nhiều người bạn thực sự. Khổng Tử nói: Vô hữu bất như kỷ giả (tạm dịch: Không kết bạn với người không bằng mình). Câu này nguyên có nguồn gốc từ Luận ngữ.
Trong đó, Khổng Tử viết: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải”, ý nói: Người quân tử nếu không tự trọng thì sẽ không có uy nghiêm, việc nghiên cứu học tập cũng sẽ không vững chắc. Làm người phải lấy trung nghĩa và thành tín làm gốc. Không nên kết bạn với người không bằng mình, nếu có sai sót, khuyết điểm cũng không sợ sửa chữa.
Trước đây, ý tứ của câu nói này thường bị người đời hiểu sai khác đi. Họ cho rằng, kết giao bạn bè là chọn người có địa vị cao hơn để được lợi nhiều hơn. Nhưng kỳ thực, “không kết bạn với người không bằng mình” mà Khổng Tử nói, không có nghĩa rằng phải chọn người có địa vị cao hơn mình, giàu có hơn mình để kết bạn. Khổng Tử là người rất coi trọng tu dưỡng đạo đức cá nhân, cho nên “không bằng mình” mà ý ông muốn nói đến chính là phẩm hạnh đạo đức.
Thủa nhỏ tôi thường nghe bậc cha chú mình nói một câu: Đời người khó có thể kết giao được 2 người bạn thực sự. Khi đó vì tuổi đời còn quá nhỏ nên trong lòng chỉ suy nghĩ rất đơn thuần: Nguyên nhân là bởi họ quen biết giao tiếp với ít người mà thôi.
Sau này khi trưởng thành, hiểu hơn một chút những bí quyết trong đối nhân xử thế, mới có thể suy đoán ra họ nói như vậy rất có thể là muốn bày tỏ với đối phương: Bạn là người bạn đáng trân quý! – câu nói nghe rất khách sáo.
Sau khi có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, tôi càng cảm thấy câu nói này thật có lý, con người đều cô đơn, rất khó để thực sự mở được cánh cửa tâm hồn để người khác bước vào.
Điều trước tiên mà bản thân chúng ta nên làm là biến mình trở thành người đáng làm người bạn thâm giao của người khác, như vậy mới càng có nhiều cơ hội kết thân được với nhiều người hơn.
Người như thế nào mới xứng đáng là người để kết bạn thâm giao? Sau đây là một số đúc kết giúp bạn hiểu được thế nào là người có phẩm hạnh đạo đức, là người đáng để kết thành bạn tâm giao.
1. Người vừa có thể đồng cam lại vừa có thể cộng khổ
Đồng cam cộng khổ là câu thành ngữ thường được dùng miêu tả việc bạn bè cùng chia sẻ khó khăn hoạn nạn với nhau. Có một sự khác biệt không giống như chúng ta thường nghĩ đó là “cộng khổ” với nhau thì tương đối dễ dàng hơn “đồng cam”. Nguyên nhân là bởi mọi người đều gặp phải cùng điều kiện hoàn cảnh không tốt như nhau, nên không cộng khổ với nhau cũng không còn cách nào khác.
Còn ngược lại “đồng cam” với nhau có lúc thật sự rất khó thực hiện. Có rất nhiều đôi bạn cùng nhau tạo dựng cơ nghiệp rồi cuối cùng lại phản bội nhau, nguyên nhân không phải vì không thể cùng nhau nếm mật nằm gai, mà là không vượt qua nổi khảo nghiệm về sự phân chia lợi ích khi thành công.
Có thể giữ một tấm lòng bình thản và lý trí khi đối diện với những lợi ích thiết thân với người bạn đã cùng bạn chia sẻ mọi buồn vui, chính là người đáng để kết giao làm bạn.
2. Người không ghen tị với những ưu điểm, lại có thể tha thứ khoan dung cho những khuyết đểm của người khác
Đó là người có thể thật tâm cảm thấy tự hào về những ưu điểm của bạn, và cũng không ghét bỏ bạn vì những khuyết đểm của bạn ngược lại còn chân thành nhắc nhở để giúp bạn sửa đổi và trở nên tốt đẹp hơn.
3. Người hiếu thuận với cha mẹ có tấm lòng đại nghĩa
Cha mẹ mãi mãi là ân nhân lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Nếu ngay cả đến việc hiếu kính với cha mẹ họ cũng không làm được thì trong thời khắc nguy cấp nhất rất có thể người đó sẽ lén đâm bạn từ phía sau lưng. Người có tấm lòng hiếu thuận là người có thể hiểu thế nào là biết ơn người khác.
4. Chân thành ngay thẳng
Làm người ta nên chọn chính trực ngay thẳng, không nên có tư tâm. Thậm chí có những lúc vì ngay thẳng người đó sẽ đắc tội với bạn, nhưng đó chính là minh chứng trong lòng người đó luôn có chừng mực nguyên tắc rõ ràng. Hôm nay có thể vì thẳng thắn mà họ đắc tội với bạn, ngày mai rất có thể không tiếc bất cứ điều gì vì tình bằng hữu mà bảo vệ bạn.
Khi gặp được người thẳng thắn chân thành này đừng vì vẻ bề ngoại lạnh lùng của họ mà sợ chạy mất, đây chính là người đáng để kết bạn.
5. Tính cách độc lập, nội tâm vững mạnh
Có cá tính riêng vốn có của bản thân mình, không vì thân thế địa vị của đối phương mà thay đổi thái độ.
Người có tính cách này khi ăn cơm với một người ăn mày có thể thật lòng không tỏ thái độ chán ghét; khi ăn cơm với một quan chức với người có địa vị thì bình tĩnh trò truyện không hùa theo hay nịnh hót; khi ở cùng với những người lao động bình thường có thể thật tâm trò chuyện không coi thường họ.
Những người như vậy nếu có một ngày bạn gặp chuyện trở nên nghèo túng hoạn nạn chắc chắn sẽ dơ tay ra nâng đỡ bạn; nếu có một ngày bạn trở nên giàu có phát tài, họ vẫn đứng bên hỗ trợ chỉ ra những điều thiếu sót của bạn. Những người như thế là người chân chính có nội tâm vững vàng, đáng để bạn kết giao làm bằng hữu.
6. Thông minh lanh lợi, không cần nhiều lời
Là người không cần nói quá nhiều lời cũng có thể hiểu được bạn, đây là minh chứng người này có thế giới nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan gần giống như bạn.
Nếu kết giao với người này, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, cho dù gặp phải mâu thuẫn cũng nhanh chóng dễ dàng hóa giải.
Cuối cùng, nếu bạn muốn kết giao với những người bạn thật sự đáng để chia sẻ đáng là bạn tâm giao điều đầu tiên bạn nên làm đó là hãy biến mình trở thành người đáng để người khác chọn làm bạn tâm giao.
Nguồn: DKN.TV